.

Tiếng gọi thiêng liêng

Cuộc thi tuyển đồ án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa đã khép lại. Hôm qua (8-1), Hội đồng tuyển chọn đã chọn ra 10 đồ án tốt nhất và xếp thứ hạng để chuẩn bị công bố và trao giải.

Cuộc thi thành công hơn cả mong đợi cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Qua cuộc thi, điều dễ nhận thấy nhất là đã cảm nhận được tâm huyết, tấm lòng của các tác giả trong và ngoài nước gửi đến Hoàng Sa.

Có thể nói đây là một cuộc thi cấp huyện, giải thưởng không lớn (tổng giá trị các giải thưởng 81 triệu đồng), thế nhưng chỉ trong một tháng, ban tổ chức nhận được 43 tác phẩm dự thi. Trong quá trình nhận hồ sơ dự thi, nhiều cá nhân, đơn vị cử người trực tiếp đem hồ sơ đến ban tổ chức. Có đơn vị còn gửi cả mô hình phối cảnh Nhà trưng bày Hoàng Sa. Điều đặc biệt là có một hồ sơ đến từ Nhật Bản.

Qua chấm điểm các đồ án thiết kế, các thành viên Hội đồng thi tuyển đều có chung một nhận định: Các đồ án có hàm lượng chuyên môn rất cao, bám sát yêu cầu về tiêu chí của ban tổ chức. Tác phẩm đến từ Nhật Bản gây sự ngạc nhiên bởi ý tưởng thiết kế rất Việt Nam. Tác giả đã nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam để lấy ý tưởng thiết kế từ con dấu của vua Minh Mạng dùng để ban sắc chỉ lập Đội Hoàng Sa và hình tượng cột mốc chủ quyền của Việt Nam vào tác phẩm dự thi.  

Rõ ràng, giá trị vật chất của giải thưởng chưa đủ lực hấp dẫn tạo động cơ cho việc gửi tác phẩm dự thi. Điều hấp dẫn các tác giả ở đây có lẽ là ý thức công dân về chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, là tình cảm, là trách nhiệm của những con dân Việt Nam luôn đau đáu với phần lãnh thổ Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trong suốt 40 năm qua. Tác phẩm đến từ Nhật Bản cũng là sự đồng cảm, chia sẻ với sự đau đáu này của người Việt Nam. Tình cảm và tinh thần trách nhiệm của các tác giả thể hiên ở sự đầu tư công phu cho tác phẩm dự thi. Các tác phẩm đều có tính biểu trưng cao, phản ánh được truyền thống văn hóa, tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, lịch sử đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ từ ngàn xưa của các thế hệ người Việt. Những ý tưởng thiết kế từ cây phong ba vững chãi trước bão giông, con thuyền đè sóng dữ thẳng ra biển lớn thể hiện ý chí dân tộc Việt không bao giờ từ bỏ chủ quyền Hoàng Sa.

Cuộc thi nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn. Cuộc thi là tiếng gọi thiêng liêng từ Hoàng Sa, tiếng gọi chủ quyền của Việt Nam. Và tiếng gọi đã được đáp lời. Hoàng Sa không chỉ của Đà Nẵng, Hoàng Sa là của Tổ quốc Việt Nam. Hoàng Sa trong trái tim mọi người con dân Việt, trong lương tri, trong tiếng gọi công lý từ cộng đồng quốc tế. Tiếng gọi thôi thúc hãy làm nhiều hơn nữa cho Hoàng Sa, mỗi người đều làm một việc nhỏ hướng tới Hoàng Sa, nuôi dưỡng niềm tin và thúc đẩy hành động để nhất định một ngày Hoàng Sa về lại với Việt Nam.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.