.

Văn hóa ngày Xuân

Nhân ngày 20 tháng Chạp, nhiều nơi diễn ra lễ cúng âm linh tại các miếu cổ. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng đầy chất nhân văn của người Việt. Từ sự kiện này, chúng ta nhớ lại những phong tục, tập quán tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông. Những nét văn hóa đó ngày nay đang được lưu giữ và tiếp truyền một cách sinh động trong đời sống chung quanh, cho dù đời sống cơm áo vào những ngày cuối năm có căng thẳng đến mấy đi nữa.

Trên các trang báo cuối năm, có lẽ tin tức về những chuyến viếng thăm, tặng quà cho người nghèo, cho trẻ em bất hạnh ở các trại mồ côi, người già neo đơn diễn ra khá sôi động. Hình ảnh Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương cùng các văn nghệ sĩ trẻ tại TP. Hồ Chí Minh tự tay quyên góp, giặt ủi, đóng gói những bao áo quần, những túi quà mang ra cho trẻ em, người già ở Hội An hay các doanh nhân thuộc hệ thống kinh doanh Big C, Unilever, các cán bộ thuộc CLB doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng đến với các em nhỏ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khắp nơi trong tuần qua… thật cảm động. Các bản tin ngắn nhiều khi chưa nói hết tấm lòng của những người hảo tâm luôn hướng về cộng đồng.

Trong muôn vàn hình ảnh thấm đẫm tình người đó, trong ngày 20 tháp Chạp này, lại là lễ cúng âm linh ở nhiều thôn xóm từ Hòa Vang đến Cẩm Lệ (Đà Nẵng); Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam)… Đây là nghi lễ diễn ra mỗi năm, mà dân làng vẫn ghi nhớ và tự nguyện tham gia. Nhiều người đi xa vẫn quay về chốn cũ để đốt nén nhang tưởng nhớ, giẫy lát cỏ trên những ngôi mộ vô chủ. Ca dao cổ còn ghi: Lo chi mả lạng mồ hoang/Hai mươi tháng Chạp về làng giẫy đưa, là nhắc đến nghi lễ này. Thi hào Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh là áng văn bất tử cho ngày cúng âm linh… Ngày này, những ngôi mộ hoang lạnh, vô chủ được người sống chăm lo hương khói, dọn dẹp cỏ cây. Đó là những người vị quốc vong thân, những khách đi đường bị mưa gió, bom đạn vùi thân, cả kẻ ăn mày chết đường chết chợ đều được nhớ đến. Bài văn cúng âm linh làng tôi còn có những câu cảm động thắm nghĩa đồng bào: Ô hô, nhớ âm linh xưa, kẻ dưới trần sinh nơi tạo hóa, kẻ sĩ kẻ công kẻ nông kẻ hương, kẻ quỳnh kẻ độc kẻ cô kẻ quả, cũng có kẻ hi tửu cầm kỳ, cũng có kẻ thị thành thôn dã… Tưởng những kẻ quân thần đầu thượng, lúc bắt cầu khi mở núi gian truân, cảnh ngộ nợ áo cơm nỡ đến hình hài. Thương những người ưu ái tánh trung, xông mũi đạn chịu đầu tên lỡ hội; tao phùng gì chinh chiến điêu linh… Nhớ những kẻ anh hùng chí khí, sống thác thế nào chưa biết,  gan trung thành lo bồi đắp giang san. Thương những người chiến sĩ oai phong, tử sanh coi cũng như không, lòng tiết liệt càng bền sắt đá...

Tất cả chẳng phân biệt vùng miền, chỉ biết cùng dòng máu Lạc Hồng mà thôi, đều được dân làng tưởng tiếc. Đây là nghi lễ mang tính nhân văn cao cả trong đờì sống tâm linh Việt đã được duy trì qua mọi vùng đất rất được mọi người hưởng ứng, chung tay...

Tóm lại, cái gì thuộc về văn hóa - dù là cõi thực hay tâm linh - đều là những nét son trong lòng người, cần được vun xới, phát huy. Nhất là vào những giờ phút thiêng liêng của ngày Tết dân tộc. Đó chính là những nét đẹp của ngày xuân Việt vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.