.

Cần ý tưởng mới cho khu công nghiệp

Trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng, bắt đầu từ năm 2006, lĩnh vực công nghiệp chỉ lùi lại đứng vị thứ hai sau  ngành dịch vụ.

Như vậy rõ ràng sứ mệnh của ngành kinh tế công nghiệp vẫn rất quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển kinh tế bền vững của thành phố. Thế nhưng tại các hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng”, dường như các chuyên gia “bỏ quên” các  giải pháp để vực dậy và phát triển lĩnh vực công nghiệp mà cụ thể là các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng, cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, có các KCN được ghi nhận một thời tạo thêm việc làm cho người lao động, sản xuất nhiều hàng hóa tiêu dùng nội địa và thu hút lượng vốn đầu tư đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Song, bên cạnh đó cũng có không ít mục tiêu lớn đặt ra mà đến nay vẫn chưa đạt được. Đó là, quy hoạch một số KCN chưa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế du lịch của địa phương, chưa tạo ra môi trường để chuyển giao công nghệ hiện đại,  hiệu quả kinh tế - xã hội chưa tương xứng với vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng do quá trình  cạnh tranh phát triển nhanh không chọn lọc kỹ, các vấn đề bức xúc về môi trường và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào KCN vẫn là bài toán chưa thể giải quyết sớm… Đáng quan tâm nhất là hiệu quả đóng góp ngân sách của các KCN. Năm 2000, các KCN của thành phố đóng góp gần 119 tỷ đồng, chiếm 7,07% ngân sách thành phố; đến năm 2010, thu ngân sách trong khối này tăng lên 365,6 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 3,54%  nguồn thu toàn thành phố, trong đó doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất là 100 tỷ đồng.

Trong năm 2013, lần đầu tiên Ban Quản lý các KCN và chế xuất thành phố tập trung giải quyết quyết liệt hai vấn đề lớn về quản lý đất đai và công tác môi trường trong các KCN. Theo đó, đã chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp cho thuê lại nhà xưởng - hoạt động không nằm trong mục tiêu dự án được cấp phép, đồng thời buộc các doanh nghiệp phải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải và có các giải pháp bảo đảm môi trường.

Trong rất nhiều cái khó cần phải tháo gỡ để tiếp tục phát triển các KCN trên địa bàn thành phố hiện nay, có tồn tại chưa thể thực hiện nhưng cũng có những tồn tại khó mà triển khai thực hiện. Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2014, Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về KCN, khu chế xuất, khu kinh tế chính thức có hiệu lực; trong đó quy định quy hoạch KCN bắt buộc phải có nhà ở cho người lao động là việc Đà Nẵng cần làm ngay. Tuy nhiên, Đà Nẵng không thể có cơ hội sớm thay đổi những nhà đầu tư tiềm năng vào những KCN đã khá đầy mà hiệu quả kinh tế không cao và chưa phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Vì vậy, trên cơ sở rà soát tổng quỹ đất còn lại của 6 KCN trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng cần đưa ra tiêu chuẩn về xây dựng hạ tầng các KCN đối với các chủ đầu tư theo phương thức xã hội hóa; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để bước đầu làm vệ tinh cho một vài dự án đầu tư vào khu công nghệ cao; đồng thời tiếp tục xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm triển khai và cho thuê lại nhà xưởng hoạt động không đúng mục tiêu dự án đã được cấp phép.

Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang bắt tay vào việc hình thành khu công nghệ cao, việc đánh giá nghiêm túc mô hình hoạt động của các KCN và ban quản lý trong thời gian qua là hết sức cần thiết để bổ sung vào chiến lược phát triển khu công nghệ tri thức và sáng tạo này sao cho tương thích với cơ cấu kinh tế thành phố, hướng đến các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho ngành du lịch.

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.