.

Đầu tư cho văn hóa

Nhiều người cứ nghĩ chi cho văn hóa nhiều nhưng sản phẩm chẳng thấy đâu. Một số lãnh đạo nhận thức chưa đúng đắn nên xử sự chưa đúng mức đối với văn hóa như vậy. Phải biết rằng sản phẩm văn hóa là đặc thù, thẩm thấu trong đời sống xã hội.

Đó là ý kiến của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ trước lý do thành phố phải tăng chi đầu tư cho văn hóa trong buổi làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ với ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố bàn về chuyên đề văn hóa Đà Nẵng. Vì thế, người đứng đầu thành phố, bên cạnh việc quyết định thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm về văn hóa, đã đề nghị tăng đầu tư cho văn hóa ít nhất là 1,5 lần trong năm 2014 (so với năm 2013) và ít nhất là 2 lần trong năm tiếp theo.

Câu chuyện đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng không chỉ mới dấy lên gần đây, mà đã được nhắc đến từ trước. Nhất là trong các báo cáo liên quan về văn hóa của thành phố cũng đã nhận định rằng, đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng chưa xứng tầm với vị trí, vai trò của thành phố trong khu vực và so với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế.

Tại sao việc đầu tư cho văn hóa còn thấp? Câu trả lời được ngành chức năng đưa ra là căn cứ trên đầu người mà có mức chi cho văn hóa. Chính từ đó, đã xuất hiện con số mức chi đầu tư cho văn hóa của thành phố chỉ đạt 0,92% trong tổng giá trị sản xuất. Nói một cách cụ thể như Trưởng ban Văn hóa-Xã hội của HĐND thành phố Vũ Hùng, là thời gian qua, trong hàng loạt các công trình trọng điểm của thành phố, không có công trình nào là công trình văn hóa! Hay Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố Huỳnh Văn Hoa cũng “ta thán”, rằng Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố nên gọi là “kho sách” thì đúng hơn! Vì thế, có ý kiến cho rằng, vị trí thứ 39/63 của Đà Nẵng trong bảng xếp hạng Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - NCIEC) là sự “châm chước” bởi những nỗ lực xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”, tạo ra hạ tầng mới, sự thân thiện của người dân thành phố!

Với sự đầu tư đó, nhiều ý kiến cho rằng bức xúc nhất trong xây dựng văn hóa của Đà Nẵng hiện nay chính là thiếu thiết chế văn hóa, nhất là các thiết chế văn hóa lớn - là điều tất nhiên! Vì thế, việc quyết định đầu tư cho thiết chế văn hóa là quan trọng, quyết định trong 1 - 2 năm tới chính là định hướng cho 10 - 20 năm sau, vì nếu không thì không còn lúc nào quyết định được nữa.

Chính vì vậy, quan trọng nhất trong xây dựng văn hóa, theo Bí thư Thành ủy Trần Thọ, chính là việc cần có nhận thức một cách đúng đắn về văn hóa; hay hiểu xa hơn là phải đầu tư cho việc suy nghĩ, nhận thức về văn hóa, về xây dựng một đời sống văn hóa cho Đà Nẵng để xứng tầm với vai trò, vị trí của một đô thị trung tâm của vùng và cả nước. Từ nhận thức phải biến thành hành động cụ thể như xây dựng chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện, đầu tư một cách xứng tầm cho văn hóa để tạo nên những giá trị văn hóa xứng tầm với đô thị hiện đại, văn minh.

Đầu tư cho văn hóa, như thế, trước hết là đầu tư suy nghĩ, nhận thức cho đúng đắn về vị trí, vai trò văn hóa trong đời sống kinh tế-xã hội của Đà Nẵng.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.