.

Du lịch đêm

.

Không chỉ du khách mà người dân thành phố Đà Nẵng nhiều lúc cảm thấy buồn và bứt rứt vì buổi tối không biết đi chơi ở đâu và chơi gì.

Tiết trời mưa lạnh thì chỉ có thể đi xem phim ở Big C, Lottte Mart; trời nóng, ấm thì đi dạo mát ở đường Bạch Đằng, hay ghé các quán cà-phê nghe nhạc, ăn uống giải khát rồi 22 giờ lên xe về nhà ngủ. Các dịch vụ này có muốn mở  khuya thêm một chút cũng không có khách. Trong khi đó, du khách đến Đà Nẵng muốn chờ ngắm cầu quay Sông Hàn thì không biết đi đâu cho hết thời gian, không lẽ về khách sạn ngủ đợi đến nửa đêm dậy đi ngắm cầu quay. Thật là khó chịu!

Đã không ít lần ngành du lịch thành phố đưa ra các ý tưởng làm phố đêm, chợ đêm nhưng ai làm, làm như thế nào thì vẫn còn lúng túng, không có đề án cụ thể và kết quả ý tưởng vẫn ở trong ngăn kéo. Có nhiều loại hình du lịch nhưng theo tôi, cơ bản nhất vẫn là hai loại hình: du lịch văn hóa - sinh thái và du lịch vui chơi - giải trí. Đà Nẵng không thể so sánh với Hội An về điều kiện phát triển du lịch văn hóa - sinh thái ở ngay trong trung tâm thành phố. Những điều kiện hiện có chỉ cho phép Đà Nẵng phải tính đến phát triển du lịch vui chơi - giải trí của một thành phố văn minh, hiện đại. Đà Nẵng đã thể hiện rõ khát khao vươn lên trở  thành thành phố hiện đại ở tầm khu vực thì bắt buộc chúng ta phải tính đến việc làm du lịch về đêm.

Vậy câu hỏi đặt ra là quả trứng có trước hay con gà có trước? Chúng ta cứ mở dịch vụ rồi từng bước thu hút khách hay chờ lượng khách có nhu cầu tăng thì  mới hình thành các dịch vụ?

Người viết bài này đã có dịp sống ở Chiang Mai (Thái Lan) vào năm 2002.  Chiang Mai là thành phố lớn thứ hai của Thái Lan nhưng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Người Chiang Mai bắt đầu làm du lịch trước hết là phục vụ nhu cầu khách nội địa. Họ quan niệm rằng, khách nội địa giúp làm nên thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ trước khi khách quốc tế biết đến. Và sau 5 năm, 10 năm, điểm đến Chiang Mai đã thực sự trở nên gần gũi, không thể thiếu trong các tour đi đến Thái Lan.

Tuy nhiên, để người dân địa phương có thể tham gia vào làm du lịch và thưởng thức các dịch vụ du lịch về đêm, có một điều hết sức quan trọng ban đầu là vấn đề thay đổi thời gian học tập và làm việc. Chúng ta không thể kêu gọi người Đà Nẵng phải tập thức đêm để làm du lịch, để vui chơi giải trí, trong khi ngày hôm sau trẻ em phải thức dậy từ 6 giờ để đi học. Chính vì lý do này mà hầu hết các nước phát triển đều bắt đầu thời gian học tập và làm việc từ 8 giờ hoặc 9 giờ. Khi xã hội đã hình thành nhu cầu dịch vụ du lịch về đêm, lúc bấy giờ, sự phân công lao động xã hội sẽ tự cho phép thành phố làm việc 24/7. Đây mới chính là sức sống của một đô thị du lịch hiện đại.

Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào việc hình thành khu vui chơi giải trí hiện đại để phát triển dịch vụ du lịch giải trí thì không thể tạo ra doanh thu xã hội từ ngành du lịch như kỳ vọng  từ ngành kinh tế mũi nhọn này.

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.