.

Khách đến thăm nhà…

Trong cùng ngày 18-2, hai đoàn khách quốc tế đến làm việc tại UBND thành phố Đà Nẵng đều do hai giáo sư, lãnh đạo hai trường đại học danh tiếng dẫn đầu cùng các doanh nhân đến tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Đoàn doanh nhân thành phố Nagoya (Nhật Bản) do ông Shigeki Maruyama, Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Nagoya đại diện và các doanh nhân thuộc thành phố Portland (bang Oregan, Mỹ) do GS, TS Marcuse D. Ingle - một lãnh đạo thuộc Đại học Portland State - dẫn đầu. Hai đoàn khách đến thăm để lại cho ta những gì?

Trước hết, Nagoya là thành phố lớn thứ tư (vùng đô thị lớn thứ ba) và là thành phố phồn vinh thứ ba ở Nhật Bản. Nằm ở miền duyên hải Thái Bình Dương, thuộc vùng Chubu trung tâm đảo Honshu, đây là trung tâm hành chính của tỉnh Aichi. Nagoya có dân số 2,2 triệu người, nổi tiếng là trung tâm sản xuất ô-tô (trong đó có hãng Toyota), bánh kẹo và đồ gốm, lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chiếm trên 50% GDP. Là thành phố bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến thứ hai, nhưng nay đã phát triển với hệ thống giao thông công cộng hiện đại, nhà cao tầng…

Ấn tượng khi đến Nagoya là sự tinh tươm, sạch đẹp và được mệnh danh là thành phố của hoài niệm với những lâu đài Owari, một trong ba chi nhánh của dòng họ Tokugawa thời kỳ EDO cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa khác như bảo tàng nghệ thuật Tokugawa, đền Atsuta-jingu xây dựng vào thế kỷ thứ 3… Một người bạn Việt ở Nagoya còn nói, nhiều mảnh ruộng tuy nhỏ ở ngoại ô vẫn được giữ lại trong quá trình đô thị hóa và người dân đã trồng được những giống lúa cho ra gạo rất ngon, rất đắt tiền…

Trong khi đó, Portland thuộc bang Oregan (Mỹ) chỉ có dân số chưa đầy 600.000 người ở bờ tây Thái Bình Dương và được mệnh danh là thành phố Hoa Hồng. Portland có những cây cầu hiện đại và đẹp bắc qua sông  Willamette như một dải lụa chẳng khác gì sông Hàn của Đà Nẵng. Tuy vậy, đây là thành phố có nhiều trường đại học và cao đẳng nổi tiếng như Viện Y khoa và khoa học, Đại học công lập Portland State, Viện Mỹ thuật và trung tâm phim ảnh Tây Bắc Mỹ. Nhưng ấn tượng nhất ở thành phố này là việc chọn lựa đi lại bằng xe đạp của rất nhiều cư dân và họ đã thành lập ra hiệp hội giao thông xe đạp rất nổi tiếng… Portland hiện có khoảng trên 10.000 người Việt sinh sống; đặc biệt họ có kinh nghiệm tái chế rác thải, giữ gìn môi trường sạch và xanh. Các vùng đất nông nghiệp xung quanh thành phố đều được bảo tồn nhờ chủ trương thiết lập vành đai xanh từ rất lâu của chính quyền thành phố. Nhiều người Việt ở đây cho biết họ thích nghi đời sống ở đây do khí hậu không khắc nghiệt và hằng tuần có thể ra chợ nông sản mua thực phẩm sản xuất không hóa chất trong vùng…

Trong khi lãnh đạo Nagoya mong muốn thiết lập đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng để kết nối giao thương và đầu tư thì GS, TS Marcus D. Ingle cho biết, chính quyền thành phố Portland mong muốn được phát triển quan hệ hợp tác toàn diện hơn với Đà Nẵng phát triển bền vững, đặc biệt về chất lượng không khí, nguồn nước. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền đối với mục tiêu phát triển. Các mục tiêu ấy luôn được duy trì, cho dù các nhiệm kỳ chính quyền có thể thay đổi.

Đại diện của hai thành phố đến làm việc với Đà Nẵng nêu trên đều là hai giáo sư đại học. Họ đến từ hai đô thị phát triển ở châu Á và châu Mỹ với những sắc thái khá đặc thù về bảo vệ văn hóa, lịch sử, gìn giữ môi trường và vai trò của các thế hệ trí thức, lãnh đạo của mỗi nơi trước áp lực phát triển. Con đường tiến đến hợp tác với họ sẽ còn ở phía trước, nhưng một vài kinh nghiệm nêu trên cũng đáng cho ta suy ngẫm.

NGUYỄN SÔNG HÀN

;
.
.
.
.
.