.

Mặt trái chuyện đón xuân

Dù Tết đã đi qua, nhưng chuyện đón xuân, vui Tết, trong niềm vui thì có rất nhiều điều đáng suy ngẫm.

Thứ nhất là chuyện chuẩn bị đón xuân và đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Nói là bắt đầu nghỉ Tết từ 28 âm lịch, nhưng thực ra cả chục ngày trước đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều chộn rộn lo chuyện Tết. Nào là mua quà đi thăm Tết, lo tất niên, liên hoan chúc mừng xuân đến… Vậy là mọi công việc liên quan đến chức trách hằng ngày phải làm thì nhiều cơ quan, đơn vị tạm ngưng hoặc có làm nhưng lấy lệ. Điều đáng nói hơn cả là những vụ “tất niên” nhậu tới bờ tới bến không chỉ tốn tiền của Nhà nước mà hậu quả của nó là những tác động của bia, rượu đã gây ra khá nhiều vụ tai biến và tai nạn giao thông nghiêm trọng…

Đó là trước Tết, còn những ngày đi làm sau Tết thì có nhiều cảnh tượng trái ngược nhau.

Hàng chục vạn công nhân và người lao động từ các vùng miền sau kỳ nghỉ về thăm nhà hối hả tìm mọi cách để trở lại các thành phố, các khu công nghiệp để bắt đầu làm việc. Do phương tiện đi lại còn khó khăn, mật độ tăng cao trong cùng thời điểm, nên nhiều người phải chấp nhận cảnh chen lấn ở bến tàu, bến xe, thậm chí có hàng chục người phải nằm trong hầm chứa hàng ngột ngạt của xe khách để vượt cả ngàn cây số đến nơi làm việc. Họ phải đối mặt không chỉ cảnh chật chội mà cả những rủi ro trên đường đi bởi những tai nạn cập kề bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức của nhiều cơ quan, đơn vị do không khí của đợt nghỉ và nhậu nhẹt dài ngày, dường như ai cũng chểnh mảng với công việc khi trở lại công sở. Nhưng điều đáng nói là chuyện họp đầu năm, lì xì, đi chùa, đi lễ hội và lại nhậu nhẹt… gây tốn kém tiền bạc và thời gian rất nhiều. Như các báo đưa tin mấy ngày qua có hàng trăm xe công xuất hiện ở lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Đền Hùng… Hơn thế, không mấy ai tin số tiền lì xì, tiền nhậu nhẹt, tiền đi lại bằng các phương tiện giao thông đó là tiền túi bỏ ra mà tất cả là tiền từ ngân sách, từ tiền thuế của dân cả đấy. Tình trạng này diễn ra không chỉ năm này mà nhiều năm trước đó nhưng chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.

Chẳng thế mà ngày 10-2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào chương trình, kế hoạch đã đề ra, không để cho không khí đón xuân Giáp Ngọ ảnh hưởng tới công việc. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng hiệu quả làm việc và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai là chuyện Tết trồng cây. Kế tục truyền thống Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, nhiều năm qua các thế hệ người Việt Nam ta ở các địa phương duy trì nét đẹp đó. Nhưng năm nay người dân phản ứng rất nhiều là chuyện phát động Tết trồng cây của nhiều lãnh đạo ở các Bộ, ngành, địa phương theo dạng phô trương, lấy lệ chứ không đi vào thực chất. Mục đích của Bác Hồ phát động Tết trồng cây là thực chất, mọi người cùng tham gia để tạo ra nhiều cây xanh cho đất nước, có ích cho cuộc sống, chống chọi với thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt. Nên trồng cây là phải thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, nhằm vào ở những vùng đất còn trống, đồi trọc, thiếu cây xanh nghiêm trọng. Chứ ai đời lãnh đạo của nhiều đơn vị, địa phương lại đi trồng cây xanh to tướng vào một nơi đầy cây xanh, rồi gắn biển tên mình để quay phim, chụp ảnh. Đi trồng cây mà giày đen, áo com-lê, thắt cà vạt thì khó coi quá, dân ai mà tin.

Muốn cho phong trào Tết trồng cây đi vào thực chất, người lãnh đạo phải cùng với nhân dân xắn quần lên, vác cuốc, vác thuổng đào đất và trồng thật nhiều cây xanh ở bãi cát ven biển, đồi trống, vùng sình lầy nước mặn để tạo ra rừng cây xanh chống gió. Chứ đừng làm theo kiểu tượng trưng đó thì người dân nhìn thấy mà giận và buồn lắm, phản tác dụng của một chủ trương đúng đắn mà Bác Hồ kính yêu kỳ vọng.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.