.

Phần thưởng cho thầy thuốc

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, Báo Đà Nẵng thực hiện trang tôn vinh những cá nhân được vinh danh Tỏa sáng Blouse trắng. Song, chúng tôi nhận thấy chỉ qua một trang báo thì quá khó chuyển tải hết câu chuyện về những cán bộ y tế nói chung, thầy thuốc nói riêng đã và đang tận tụy với nghề.

Thông tin về lĩnh vực y tế vẫn được cập nhật, kể cả được “soi” hằng ngày trên mặt báo. Nhưng góc nhìn cận cảnh về sự gian khổ và đóng góp thầm lặng của người thầy thuốc hay những người làm trong ngành y thì có lẽ ít dịp được sẻ chia.

Nói về bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, mọi người thường nghĩ ngay đến công việc khám, điều trị và chăm sóc cho người bệnh. Đúng vậy, đặc thù của ngành y là lo cho sức khỏe con người. Nhưng đằng sau công việc ấy là biết bao câu chuyện khác khó có thể giãi bày, ngoài một điều duy nhất: chấp nhận với tình yêu nghề sâu sắc.

Đợt này, một đồng nghiệp của chúng tôi khi tham gia viết bài về các bác sĩ ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố đã kể lại rằng, chị được dịp gặp những bệnh nhân với chằng chịt hình xăm, vừa đi điều trị, vừa… lận dao trong người để sẵn sàng hù dọa đối phương. Với chị, chuyện này thật đáng rùng mình, nhưng với các bác sĩ ở cơ sở điều trị Methadone thì họ đã “lì” khi thường xuyên tiếp xúc với “đàn anh”, “đàn chị” trong xã hội.

Hay như chúng tôi được biết câu chuyện về điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Hồng, khoa Tổn thương tủy sống, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. Được phân công chăm sóc toàn diện cho 24 bệnh nhân bất động, chị Hồng phải làm từ A-Z việc vệ sinh, ăn uống, chăm vết lở loét, thông tiểu, tiêm truyền dịch. Chị còn giúp lấy phân cho bệnh nhân bị táo bón kéo dài. Những công việc thế này chỉ có thể gọi là “không tên” và để làm được nó, không điều gì khác hơn ngoài sự tận tụy…

Còn biết bao y bác sĩ không có tên trao giải lần này, nhưng hết năm này qua năm khác, hết ngày này qua ngày khác, họ vẫn âm thầm góp sức đem lại hạnh phúc cho những người không may mắc bệnh. Nhiều bệnh nhân gọi họ là “ông bụt”, “cô tiên”, “bàn tay vàng”, còn chúng tôi cảm nhận bên trong những chiếc áo blouse trắng ấy là trái tim nhân hậu tràn đầy tình yêu con người.

Bác sĩ Ý, Roberto De Castro, người tạo những “chú chim xinh xinh” cho trẻ em bị dị tật bộ phận sinh dục là một minh chứng. Ông đến Đà Nẵng trong Hành trình Thiện Nhân để phẫu thuật cho trẻ em bị khuyết tật. Ông bước vào phòng khám trong chiếc quần kaki và áo phông đen. Hài hước, gần gũi, đúng giờ và giản dị là điều dễ dàng cảm nhận về vị bác sĩ tài năng này. Thêm một điều nữa, khi ông chính thức khám vào bộ phận sinh dục của trẻ, một chiếc máy ảnh của phóng viên đưa lên lập tức được ông nhắc nhở phải chụp tế nhị để tránh làm tổn thương hình ảnh của bệnh nhân. Một hành động nhỏ đủ hiểu ông yêu quý và tôn trọng bệnh nhi của mình như thế nào.

Với người con xa quê như bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, những lần trở về không chỉ là dịp chia sẻ chuyên môn cùng anh em đồng nghiệp mà còn là nỗi đau đáu với bệnh nhân quê nhà. Nhìn cảnh bà con miền Trung phải lặn lội đường xa đi phẫu thuật sứt môi, hở vòm miệng, ông nghĩ ra cách mang cả ekip trở về Đà Nẵng để điều trị tại chỗ. Không chỉ phẫu thuật miễn phí, mà những ca nặng cần phải chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh còn được tặng thêm một số tiền hỗ trợ đi đường. Trong đoàn của bác sĩ Đẩu còn có những anh, chị bận bịu con nhỏ, gia đình, công việc nhưng vẫn sẵn sàng gác tất cả để hỗ trợ cho bệnh nhân tại đây. Đem đong đếm lợi, thiệt thời gian, vật chất của các bác sĩ, điều dưỡng khi theo đoàn về Đà Nẵng, cái thiệt quá rõ ràng. Thế nhưng, họ vẫn hào hứng trở về không chỉ một lần…

Có hay không có giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng thì 20 cá nhân được vinh danh hằng năm và những người theo ngành y nói chung vẫn miệt mài với công việc cứu người. Cải thiện sức khỏe đồng nghĩa với việc mang lại sự lạc quan, yêu đời và thái độ sống tích cực cho người bệnh, đó chính là phần thưởng lớn nhất của người thầy thuốc. Lương y được coi như “từ mẫu”. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, trước những “con sâu làm rầu nồi canh”, một bác sĩ tâm sự: “Chỉ mong được xem như “bạn” để hiểu và cảm thông nhau, như vậy chúng tôi mới bình tĩnh để có thể tiếp tục làm việc”. Phần thưởng cho người thầy thuốc thời nay, lẽ nào đó còn là sự công tâm trong đánh giá, suy xét của dư luận?

THU HOA

;
.
.
.
.
.