.

Phát huy vai trò nông dân

Tại Hội nghị triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2014 diễn ra ngày 25-2, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Trần Thọ đặt vấn đề, có hay không việc người dân là chủ thể nhưng không biết, không trực tiếp bàn bạc, tham gia việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang. Câu hỏi đó đặt ra nhiều suy ngẫm về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã bước sang năm thứ tư. Là lực lượng nòng cốt trong triển khai và là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, nông dân có vai trò vô cùng quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Vai trò đó được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Họ vừa là người tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương vừa là lực lượng chủ chốt triển khai, giám sát và thẩm định các công trình thuộc kết cấu hạ tầng nông thôn. Chính họ là đối tượng thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và tổ chức sản xuất theo hướng CNH- HĐH. Và  nông dân cũng là thành phần sáng tạo, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ở nông thôn; là lực lượng nòng cốt xây dựng đời sống văn hóa mới; bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính trị-xã hội tại địa phương; bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Phải nói rằng, mỗi tiêu chí nông thôn mới hoàn thành đều có dấu ấn đậm nét của nông dân. Biết bao gia đình đã không ngần ngại khi hiến đất làm đường, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để hạ tầng nông thôn hoàn thiện, hiện đại hơn. Vẫn biết, sự đầu tư của Nhà nước cho chương trình không nhỏ, có sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đơn vị… nhưng nông dân vẫn là thành phần có ý nghĩa quyết định đến sự khởi sắc ở nông thôn như hiện nay. Đó là điều không thể phủ nhận.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách toàn diện, vẫn còn đó khá nhiều lĩnh vực, vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy. Trước hết là việc giám sát chất lượng các công trình thuộc hạ tầng nông thôn. Hơn 3 năm qua, địa phương nào cũng được đầu tư hàng chục công trình, như đường sá, cầu cống, kênh mương, trường học, nhà văn hóa thôn… Hầu như tất cả các công trình này đều do doanh nghiệp thầu thi công. Theo quy định, nông dân trực tiếp quản lý, giám sát thi công và thẩm định chất lượng công trình. Song hoạt động này có triển khai nhưng đa số mang tính hình thức, chưa làm triệt để. Hệ quả là, không ít công trình chất lượng chưa đạt yêu cầu thiết kế. Đường bê-tông thoáng rộng là vậy, nhưng chỉ một thời gian mặt đường đã bong tróc nham nhở. Một số công trình nhà cửa có dấu hiệu xuống cấp. Không ai khác mà chính nông dân gánh chịu hậu quả của sự xuống cấp này.

Hơn 3 năm qua, đầu tư cho sản xuất ở nông thôn Đà Nẵng không nhỏ, thu nhập của đại bộ phận nông dân có đổi thay nhưng không đáng kể. Nguyên nhân chỉ vì vai trò của nông dân trong hoạt động này còn nhiều hạn chế. Nói đúng ra, đa số nông dân đang nặng tâm lý trông chờ ỷ lại, thiếu hẳn sự năng động nhạy bén trong sản xuất. Thậm chí rất nhiều hộ không muốn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Họ quen và duy trì nếp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thụ động, theo kiểu tự cung tự cấp. Trong khi đó, vốn đầu tư từ trên không nhỏ; việc đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật triển khai thường xuyên. Thử hỏi, hiện nay có bao nhiêu mô hình tiêu biểu thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm do chính người nông dân Hòa Vang làm chủ? Ít lắm. Đa số những mô hình đáng là điểm đến cho nhiều người hiện nay ở huyện này đều do cư dân nơi khác đến mua hoặc thuê đất đầu tư làm ăn. Không ít vị cán bộ địa phương cũng nhận ra thực trạng đáng báo động này.    

Mục tiêu lớn nhất của công cuộc xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách về mức sống với khu vực đô thị. Hơn 3 năm qua, trên địa bàn huyện Hòa Vang, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, riêng năm 2013 là 553 tỷ đồng, nguồn vốn không hề nhỏ cho địa phương chỉ có 118 thôn của 11 xã với tổng dân số khoảng 110.000 người. Thế nhưng, đến nay mức thu nhập của người dân Hòa Vang vẫn rất khiêm tốn, mới dừng ở mức 20,8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng khoảng 40% mức thu nhập bình quân của thành phố Đà Nẵng.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã nêu cao được vai trò chủ thể của nông dân, song thiết nghĩ với thu nhập, mức sống như hiện nay, hẳn rằng vai trò đó cần phát huy cao độ hơn nữa, để địa phương này tạo bước đột phá về sản xuất, vừa làm ra nhiều của cải cho xã hội vừa nâng cao đời sống cho chính từng gia đình nông dân.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.