.

Sàng lọc để tinh giản

Sẽ tinh giản 100.000 người trong bộ máy Nhà nước, theo dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (TGBC) từ nay đến năm 2020 do Bộ Nội vụ vừa công bố. Đó là tin không vui cho những công chức (CC) “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà dư luận định lượng chiếm đến 30%  tổng số 2,8 triệu CC.

TGBC, đây không phải là vấn đề mới mà cách đây hơn 20 năm Nhà nước đã có chính sách thực hiện việc này. TGBC tiếp tục được đặt ra do dư luận đang rất bức xúc vì bộ máy ngày càng phình to, một bộ phận không nhỏ CC không làm được việc hoặc làm việc kém hiệu quả, gây cản trở hoạt động bộ máy Nhà nước và tạo gánh nặng ngân sách trả lương từ thuế do người dân đóng góp. Dư luận đã định lượng có đến 30% CC không làm được việc, hơn 30% khác phải cầm tay chỉ việc mới làm được việc. TGBC bộ máy Nhà nước được đặt ra vào thời điểm này nhận được sự đồng tình của dư luận.

Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn về tính khả thi của việc TGBC sau khi nó chính thức trở thành một chính sách. Trong số tinh giản, dự thảo nghị định đưa ra con số 80% CC sẽ giải quyết cho nghỉ hưu trước tuổi, 20% cho thôi việc. Dự thảo cũng quy định một trong những trường hợp thuộc diện TGBC là những người có năng lực yếu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua việc đánh giá, phân loại CC hằng năm. Những người được giải quyết nghỉ hưu trước tuổi với chính sách hỗ trợ 75 triệu đồng/người thì dễ dàng chấp nhận, còn cho thôi việc 20% mới là vấn đề phức tạp. Ai cũng hiểu 20% này là đối tượng CC không làm được việc nhưng làm thế nào chỉ ra được ai thuộc diện này thật khó.

Khó là do các quy định đánh giá CC hiện hành quá chung chung, không có tiêu chí cụ thể, chưa căn cứ vào kết quả, hiệu quả làm việc. CC thừa hành và CC lãnh đạo đều cùng một khung, cách thức đánh giá mặc dù mỗi đối tượng có tính đặc thù riêng trong chức trách nhiệm vụ. Phương pháp đánh giá cộng với tâm lý nể nang “anh bầu tôi, tôi bầu anh”, “cả làng đều vui” cho ra kết quả phân loại hầu như tốt hết, trừ một số rất ít vi phạm kỷ luật không thể giấu được mới nhận loại không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá CC hằng năm hiện nay chỉ mang tính ước lệ. Như vậy thật khó để TGBC được 20% CC năng lực yếu kém không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong số 100.000 người như dự kiến.

Cần phải có một phương pháp đánh giá, phân loại CC có thể sàng lọc được những ai thuộc 20% không làm được việc. Mô hình đánh giá CC theo kết quả làm việc hằng tháng của Đà Nẵng tuy còn phải tiếp tục hoàn thiện nhưng đây là một cách đổi mới trong đánh giá CC rất đáng được tham khảo. Để thực thi chính sách TGBC một cách hiệu quả trước hết phải xây dựng một hệ thống phương pháp đánh giá mới để phân loại CC đúng thực chất, khách quan, công bằng. Việc giải quyết cho CC nào thôi việc phải bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công bằng và  tâm phục, khẩu phục. TGBC cần thực hiện cùng với biện pháp khuyến khích tiết kiệm biên chế để tăng thu nhập, chỉ tuyển mới theo nguyên tắc “có ra mới có vào”. Mặt khác, cần phải kiện toàn, làm gọn hơn tổ chức bộ máy, kiên quyết không lập thêm đơn vị mới. Như vậy chính sách TGBC mới đạt mục tiêu giảm dần số CC “sáng cắp ô đi, tối cắp về”!

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.