Tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng MRCC) vừa từ Hoàng Sa trở về trong sự hân hoan của mọi người, trong đó có gia đình ngư dân Đạt trên tàu đánh cá QNg 92679TS bị thương trên biển hôm 13-2.
Vụ việc đã được Báo Đà Nẵng điện tử thông tin khá chi tiết. Nhưng theo tôi, có một chi tiết cần được nhấn mạnh, đó chính là tinh thần ngoan cường, không khoan nhượng của thuyền trưởng Phan Xuân Sơn trước sự đe dọa, ngăn cản của các tàu Trung Quốc trên vùng biển thuộc lãnh hải của Đà Nẵng và thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Phan Xuân Sơn, khi tàu SAR 412 ra đến vùng biển cách đảo Tri Tôn khoảng 100 hải lý về phía Nam và cách tàu cá bị nạn khoảng 5 hải lý thì gặp một tàu Trung Quốc yêu cầu phải quay lại và rời khỏi vùng biển Hoàng Sa. Phan Xuân Sơn đã khẳng khái nói rõ: “Chúng tôi là tàu cứu nạn của Việt Nam và đang đi làm nhiệm vụ, các anh không được phép ngăn cản!”. Cho dù tàu Trung Quốc cứ bám theo nhưng tàu SAR 412 vẫn cương quyết, chủ động vượt sóng gió để đưa thuyền viên tàu cá bị thương của Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc vào bờ cấp cứu.
Đây không phải là lần đầu tiên SAR 412 đi làm nhiệm vụ ở khu vực biển thuộc huyện đảo Hoàng Sa. Những lần trước, Phan Xuân Sơn và các đồng nghiệp cũng từng bị nhiều tàu Trung Quốc xua đuổi, vây bám, nhưng các anh đã rất cương quyết, không hề sợ sệt để hoàn thành nhiệm vụ. Lần ra Hoàng Sa này, trên SAR 412 còn có bác sĩ Ngô Diên Anh Tuấn của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã nhận bằng khen của Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm liếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) về thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn ngư dân.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực từ năm 1974, nhưng về mọi phương diện theo Công pháp quốc tế vẫn là của Việt Nam. Về mặt hành chính, đó là xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang trước năm 1975 và một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng cho đến ngày nay là không có gì chối cãi. Sự có mặt của các ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… liên tục ở khu vực này là hành động mang tính “Thực hiện chủ quyền liên tục” của Việt Nam. Sự có mặt để cứu giúp ngư dân của các tàu cứu nạn như SAR 412 một lần nữa chứng tỏ vai trò của Nhà nước Việt Nam trên vùng lãnh thổ, lãnh hải của mình, cho dù bị ngăn chặn, uy hiếp. Câu nói khẳng khái của Phan Xuân Sơn tuy ngắn gọn nhưng hàm ý “Chính phủ Việt Nam đang giúp đỡ ngư dân của mình trên lãnh thổ Việt Nam, không ai có quyền ngăn cản!”. Câu nói của anh còn nói lên một sự thật là ngư dân của Việt Nam vẫn đang hành nghề và hành xử chủ quyền bằng chính nghề nghiệp của họ trên vùng biển ngàn đời cha ông đã có mặt. Đó là một sự thật lịch sử…
Phan Xuân Sơn và các đồng sự đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền rất cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, ngay tại hiện trường như vậy là hành động rất đáng được học tập, biểu dương! Chúng ta đã đứng lên chống lại sự xâm lược bá quyền ở biên giới phía Bắc để giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cách đây đúng 35 năm. Chủ quyền lãnh thổ trên biển vẫn còn là một vết thương chưa liền thịt da và đã cướp đi bao nhiêu xương máu của các thế hệ người Việt. Vì vậy sự có mặt của những ngư dân, của các tàu cứu nạn hàng hải, của các bác sĩ như Ngô Diên Anh Tuấn và đặc biệt là tinh thần ngoan cường của thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cần được ghi nhận, vinh danh như những chiến sĩ trong những ngày tháng hai đầy kỷ niệm lịch sử này vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG