Có dịp chuyện trò với cụ Nguyễn Văn Liêm, tuổi đã thất thập ở vùng biển Sơn Trà, chuyên làm thuyền thúng để cung cấp cho ngư dân đánh cá, tôi cứ nhớ mãi nụ cười hồn hậu và câu nói của cụ: “Mình làm nghề này để đỡ nhớ biển”. Trong khi đó, nghề làm thuyền thúng đang mai một, thu nhập bấp bênh. Như thế để thấy lòng yêu biển, sự trân trọng và cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa biển của một lão ngư tuổi đã cao thật đáng quý biết bao!
Đi và gặp những ngư dân đã gắn bó cả đời với biển như ngư dân Mai Đăng Nhiều (57 tuổi, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) - chủ tàu ĐNa 90029, hay ngư dân trẻ Lê Văn Sang (29 tuổi) - chủ con tàu hậu cần nghề cá có công suất gần 1.200 CV lớn nhất miền Trung mới thấy niềm thao thiết với biển, với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đến nhường nào! Anh Sang từng tâm sự muốn góp phần công sức giúp ngư dân bám biển dài ngày, bởi đó không chỉ là mưu sinh mà còn là trách nhiệm với lãnh hải đất nước mình…
Niềm tự hào, thiết tha với Tổ quốc tôi gặp ở cái nắm tay thật chặt giữa những người dân, ngư dân với các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang ngày đêm canh giữ biên giới, vùng biển của Tổ quốc. Niềm tự hào đó còn ở đôi mắt thích thú của cậu bé nhỏ giữa lễ hội tại Lăng Ông Kim Liên thuộc khu dân cư văn hóa biển Kim Liên (quận Liên Chiểu) khi được mẹ dẫn đi xem hội. Lăng Ông Kim Liên không chỉ là nơi thờ tín ngưỡng của ngư dân, mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào biển đảo, quê hương, tình yêu nghề biển. Đã qua một thời gian dài nhưng người ta vẫn nhớ những câu chuyện đẹp như: thầy giáo trẻ Trần Hướng (28 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị) hay cô giáo Bùi Thị Nhung (ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) rời đất liền tình nguyện ra Trường Sa nắng gió để dạy học cho trẻ chỉ vì lẽ giản đơn: yêu Trường Sa. Họ không nghĩ đó là sự hy sinh mà cho rằng, đó là vinh dự cho chính họ. Thế hệ nối tiếp thế hệ nuôi dưỡng ngọn lửa tự hào, tự tôn dân tộc...
Thời gian qua, hàng trăm ngàn tin báo từ các tàu cá của ngư dân đã giúp các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng có thêm thông tin kịp thời xua đuổi tàu nước ngoài xâm lấn chủ quyền vùng biển. Việc ngư dân tránh né, có lúc nhẫn nhịn trước sự can thiệp đôi khi quá đáng của các tàu cá nước ngoài không phải là sự sợ hãi, mềm yếu mà đó chính là sự “nhu” cần thiết để bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam mà Đảng ta đã xác định.
Với Đà Nẵng, Ngày Biên phòng toàn dân bao giờ cũng gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội; xây dựng, củng cố cơ sở chính trị khu vực biên giới biển vững mạnh. Hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết cho người nghèo, hàng loạt công trình dân sinh được xây dựng bằng chính những đồng tiền đóng góp từ mỗi người lính biên phòng. Và cũng từ đó, ngọn lửa tin yêu, tình quân - dân ngày càng được thắt chặt, keo sơn, vững bền.
Thực hiện chủ trương của thành phố, các phường biên phòng đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, chỉnh trang hệ thống điện, đường, trường, trạm; các công trình phục vụ quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trạm quân dân y kết hợp được xây dựng kiên cố. Những chính sách như: cho vay vốn phát triển sản xuất, đóng mới phương tiện có công suất lớn, hỗ trợ máy thông tin liên lạc, hỗ trợ nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ mua bảo hiểm cho ngư dân... đã giúp mỗi ngư dân, mỗi cột mốc chủ quyền biển đảo có thêm niềm tin, quyết tâm bám biển.
Lịch sử cho thấy, sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sức mạnh của chính nghĩa, của lòng yêu nước nồng nàn. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” không chỉ là ý nghĩ mà còn là hành động của thế hệ trẻ để bắt đầu từ những việc nho nhỏ như: góp một tấm áo ra Trường Sa, cho đến việc hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống. Có hiểu thì mới có bản lĩnh để bảo vệ những điều thiêng liêng ấy. Bởi lẽ, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, gìn giữ toàn vẹn mỗi tấc đất biên cương, mỗi dặm hải lý biển cả chính là thước đo phẩm giá con người Việt Nam.
PHƯƠNG TRÀ