Đúng vào ngày 8-3 của hơn 100 năm trước, hàng chục ngàn phụ nữ diễu hành trên đường phố New York (Mỹ) đòi giảm giờ làm và hưởng mức lương cao hơn, với khẩu hiệu “Bánh mì và hoa hồng”. “Bánh mì” tượng trưng cho đời sống vật chất và “hoa hồng” biểu tượng cho đời sống tinh thần tốt đẹp hơn. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng dẫn đến sự ra đời của Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Ngày nay, phụ nữ không còn thiếu thốn “bánh mì” hay “hoa hồng” nữa, thậm chí họ có nhiều “bánh mì” và “hoa hồng” không chỉ vào ngày 8-3. Phụ nữ làm ra tiền, có tiền và làm chủ đồng tiền. Phụ nữ hoạt động phổ biến ngoài xã hội trong nhiều vai trò với tiếng nói, năng lực, nguyện vọng riêng của mình. Kinh tế phát triển thì quyền lợi của người phụ nữ cũng được thể hiện rõ nét hơn. Nói nôm na, “bánh mì” và “hoa hồng” kéo nhau cùng nhiều lên.
Tuy nhiên, sự đi lên của “bánh mì” và “hoa hồng” đôi khi chưa đồng đều. Nhìn vào đời sống chung của phụ nữ, có thể thấy ngày nay nhiều người đóng vai trò chủ chốt về kinh tế trong gia đình, công ty hay cơ quan, đơn vị, nhưng làm “to” kiểu gì thì về đến nhà, rất nhiều chị em trong số đó vẫn chỉ là “ôsin” không hơn không kém. Sẽ có không ít ý kiến phản đối việc gọi phụ nữ theo cách như vậy, bởi đơn giản, những quan điểm này cho rằng mặc nhiên việc nhà là chuyện của vợ hay mẹ. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng và trách nhiệm “giữ tổ ấm” của người đàn bà. Thế mới có chuyện, vẫn còn đầy rẫy các ông chồng sau giờ làm vắt chân lên sofa coi phim, đọc báo hay la cà quán sá mãi chưa về, mặc vợ cuống cuồng quét dọn, chăm con. Một Việt kiều có dịp về thăm quê tâm sự: “Bên ấy không có chuyện chiều nào chồng cũng đi nhậu bí tỉ rồi trở về nhà lè nhè như ở mình. Đàn ông, đàn bà chi cũng xắn tay vô làm và cùng lo việc nhà”.
Như vậy, “bánh mì” có rõ ràng rồi, nhưng “hoa hồng” đôi khi vẫn chưa thực sự đến tay phụ nữ trong một số hoàn cảnh nhất định. Điều này còn chờ sự thay đổi trong nhận thức chung của xã hội, mà “nhận thức là quá trình lâu dài”, nên cần nhiều lần lên tiếng và hành động nữa thì phụ nữ mới có đủ “bánh mì” và “hoa hồng” như họ đáng lẽ được có.
Nói vậy không có nghĩa “cuộc chiến hoa hồng” của chị em xét ở góc độ gia đình không có “ánh sáng cuối đường hầm”. Những ông bố trẻ ngày nay thay bỉm, pha sữa, ru con “dẻo quẹo” là minh chứng cho những biến chuyển khả quan. Thời các bà, các mẹ, đàn ông vào bếp hay chăm con dại có thể bị đánh giá là nhu nhược; nhưng nay, cái nhìn về vai trò người chồng, người cha đã đổi khác. Biết chia sẻ, yêu thương gia đình bằng việc san sẻ khó nhọc với vợ con được xem là một niềm hãnh diện.
Trong mùa 8 tháng 3 năm nay, cộng đồng mạng bàn tán rôm rả xung quanh “Tâm sự của một người đàn ông” như sau: “Tôi là giám đốc một công ty, lương ba nghìn đô/tháng, cao gấp chục lần vợ, nhưng khi về nhà thấy vợ hì hụi trong bếp, tôi vẫn sẵn sàng lao vào nhặt rau, rán cá bình thường. Thậm chí, có lúc nhìn mặt thấy vợ tôi mệt, tôi luôn giục nghỉ đi, để tôi làm…”. Đa số mọi người ủng hộ quan điểm của người đàn ông này, rằng dù anh có là giám đốc, nguyên thủ thì về nhà cũng là một người chồng, người cha bình thường, nên cớ gì phải xây một bức tường phân cách “quyền lực” trong gia đình với vợ.
Một câu chuyện nhỏ ấy thôi cũng phần nào cho thấy chị em không lẻ loi trong hành trình giành lấy “hoa hồng”. Nhiều người đàn ông đang cùng về “phe” phụ nữ trong cuộc chiến này, bởi hạnh phúc cho người đàn bà cũng là hạnh phúc cho cả gia đình, xét rộng ra là hòa bình cho toàn thế giới.
TOÀN VÂN