.

Cần biết tự ái

Là những người trẻ của một thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ nhất, đồng thời dẫn đầu trong nhiều chỉ số khác như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công lý…, là thanh niên của thành phố mang khát vọng trở thành nơi “đáng sống”, vậy bạn còn cần điều gì trong một môi trường như thế? Câu trả lời, theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ tại buổi đối thoại với các đại biểu thanh niên trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 26-3, là thanh niên cần và rất cần biết tự ái.

Không thể không tự ái trước các chỉ số cạnh tranh vẫn trồi sụt, thiếu ổn định, điều này đồng nghĩa với sự phát triển của Đà Nẵng trên nhiều lĩnh vực hiện phụ thuộc vào “phong độ” trong từng giai đoạn chứ chưa là “đẳng cấp” thực thụ. Không thể không tự ái khi mang tiếng là thành phố đáng sống, nhưng Đà Nẵng còn 818 ngôi nhà của các hộ gia đình chính sách xuống cấp, cuộc sống một số người dân theo đó phập phồng cùng mưa nắng; còn không ít trẻ em khó khăn trên đường đến lớp; còn nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài vẫn nơm nớp sợ trộm cắp mỗi đêm, và thậm chí có cả… tè bậy trên những con phố chính, giữa thanh thiên bạch nhật. Chưa kể, được cho là thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người năm 2013 gấp 1,6 lần trung bình chung cả nước, nhưng thực tế nếu so sánh con số 2.600 USD của Đà Nẵng với 3.300 USD trung bình chung của thế giới thì chúng ta đang thua về mặt kinh tế.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho rằng, mỗi công dân trẻ, đặc biệt là lực lượng thanh niên, phải biết tự ái trước những điều còn chưa được ấy để biến đó thành động lực phấn đấu nhiều hơn, lao động nhiều hơn. Cần những người trẻ khát khao và trăn trở cho “đẳng cấp” của thành phố. Thanh niên chiếm 1/3 dân số Đà Nẵng - một thế hệ tương lai hùng hậu, những người sẽ chèo lái con thuyền Đà Nẵng vươn khơi thì không thể thờ ơ trước những điều đáng lẽ phải… làm chúng ta thật sự “chột dạ”.

83 đại biểu tham gia buổi đối thoại chưa phải đại diện cho số đông thanh niên Đà Nẵng. Tuy nhiên, những ý kiến chia sẻ của các đại biểu thanh niên cũng phần nào vẽ nên một bức tranh chung về 3 điều mà giới trẻ Đà Nẵng đang tự ái và cần biết tự ái.

Điều trước hết là ngoại ngữ. Là thanh niên ở thành phố có lưu lượng khách quốc tế đến ngày càng tăng, nếu hầu hết giới trẻ sử dụng được các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, chí ít là tiếng Anh, sẽ góp phần đáng kể tạo đẳng cấp cho thành phố. Phải biết xấu hổ nếu bạn tự rào vùng kiến thức của bản thân trước thời đại mở cửa. Một ý kiến chia sẻ số liệu khảo sát cho thấy, thời gian đầu tư học ngoại ngữ của thanh niên Việt Nam nói chung, trong đó có thành phố Đà Nẵng, xếp vào mức đứng đầu châu Á. Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng ngoại ngữ thì… ở vị trí ngược lại. Khi ta có đủ đầy điều kiện học tập nhưng không thể vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiến gần đến sự văn minh của thế giới thì không chỉ là hổ thẹn mà còn là sự lãng phí.

Tiếp đó là câu chuyện lãng phí thời gian. Khi quan sát cuộc sống thành phố, mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra “hiện tượng rảnh” đang đầy rẫy. Được xem là lực lượng lao động chính - những người có nhiều sức khỏe, hoài bão, ý tưởng nhất, nhưng không ít thanh niên chẳng dành thời gian cho việc gì hữu ích ngoài… việc ngồi chơi. Một đại biểu đặt ra câu hỏi chúng ta phải làm gì để giải quyết vấn nạn lãng phí thời gian trong một bộ phận không nhỏ thanh niên? Để tìm giải pháp cho vấn đề “quá khó” này, không ai khác chính là sự tự vấn của mỗi người trẻ. Chỉ chính bạn mới trả lời được câu hỏi “Ta đang làm gì với quỹ thời gian của chính mình?”. Không biết tự ái khi tự biến mình thành rảnh rỗi giữa guồng quay hối hả của cuộc sống thì quả thật đáng ngại cho những người trẻ.

Vấn đề được thanh niên rất quan tâm đó là cơ hội việc làm. Nhiều đại biểu trăn trở về môi trường làm việc tại thành phố khi lâu nay vẫn có luồng lớn người lao động, sinh viên “Nam tiến”. Phải chăng sự “đáng sống” của chúng ta được hiểu ở góc độ tiêu tiền và hưởng thụ, còn sống để kiếm tiền lại là chuyện khác!

Không tự ái sao được khi là công dân của nơi “đáng sống” lại mang chất xám của mình đi phục vụ cho nơi khác. Ngược lại, chúng ta được các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào khai thác vì có “nhân công giá rẻ” - một lời khen ẩn chứa sự đánh giá thấp về nguồn nhân lực trẻ của thành phố.

Tự ái ở các khía cạnh này là thật sự cần thiết. Bởi chúng ta không thể tự hào mãi với những danh hiệu hào nhoáng trong phạm vi nhỏ hẹp. Biết mình thiếu gì, hạn chế điều gì, biết chạnh lòng để vươn lên mạnh mẽ hơn và xóa nhòa ranh giới với quốc tế trên các lĩnh vực là điều cần thiết trong mỗi thanh niên hôm nay.

THU HOA

;
.
.
.
.
.