.

Cần nhưng chưa đủ?

Ngày 18-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức đồng loạt hạ thêm các mức lãi suất chủ chốt. Trần lãi suất tiền gửi VND giảm xuống còn 6%, lãi suất cho vay ngắn hạn các đối tượng ưu tiên 8%/năm, lãi suất tiền gửi USD 1%/năm và lãi suất tái cấp vốn 6,5%/năm.

Động thái này được xem như nỗ lực mới của cơ quan quản lý tiền tệ nhằm khơi tăng dòng vốn giải ngân trong bối cảnh tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng qua 2 tháng bị giảm hơn 1,2% so đầu năm. Tuy nhiên, với mục tiêu năm 2014 lạm phát 7%, tăng trưởng GDP 5,8%, tăng trưởng tín dụng 12-14%, thì quyết định giảm lãi suất đợt này có thể đánh giá là bước đi khá mạo hiểm của NHNN.

Bài toán tăng trưởng tín dụng năm 2014 trên thực tế vẫn chưa có lời giải rõ ràng bởi vì tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn còn chậm chạp, uể oải. Một số ngành sản xuất chủ lực (than, xi-măng, sắt thép…) tiếp tục đối diện với khó khăn do tồn kho lớn, ứ đọng kéo dài, khả năng tiêu thụ nội địa chậm, thị trường xuất khẩu rơi vào thế bị động, thậm chí bế tắc. NHTM trong tình thế phải xoay xở với rất nhiều khó khăn do tình trạng nợ xấu, nợ cơ cấu lại, vẫn mãi loay hoay với những khách hàng truyền thống của mình, mặc dù đã chủ động đi trước điều chỉnh giảm lãi suất nhưng nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất của những khách hàng này không tăng được bao nhiêu so với trước đây, trong khi việc “mở hầu bao” đối với những khách hàng mới càng cần phải thận trọng.

Lãi suất giảm trước mắt có thể mang lại kích thích nhất định đối với các nhu cầu vay vốn; tuy nhiên hiệu ứng này trong giai đoạn hiện nay là không đáng kể, nhất là khi mà hầu hết hoạt động SXKD đều duy trì ở thế cầm chừng, dưới mức tiềm năng. Cần lưu ý rằng, công cụ lãi suất chỉ chứng tỏ được hiệu lực tức thời một khi sử dụng vào mục tiêu trấn áp và hạ nhiệt lạm phát, nhưng để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, bệnh trạng khá trầm trọng thì sự kiên nhẫn (phải chịu đựng vài ba năm tùy thuộc vào thể trạng của nền kinh tế) là câu chuyện hoàn toàn thực tế cần phải chấp nhận.

Mắt xích yếu nhất hiện nay có lẽ nằm ở khâu “kích cầu tiêu dùng”. Quan niệm này nên được xem xét phân tích đồng bộ dưới góc độ nhiều chiều. Trong đó cần chú trọng cả hai hệ thống giải pháp: (1) trước mắt là kích cầu tiêu dùng của Nhà nước + tổ chức + cá nhân, kích cầu tiêu dùng nội địa + xuất khẩu, cân bằng biện pháp kích cầu cả vi mô + vĩ mô; (2) về lâu dài, kích cầu tiêu dùng phải đi đôi với cải thiện hiệu quả cơ cấu ngành kinh tế, tạo điều kiện định hướng lại quá trình sản xuất và dòng chảy vốn tín dụng đi vào những lĩnh vực thực sự có tính cạnh tranh, nâng cao trình độ hội nhập. Hai hệ thống giải pháp nói trên phải tính toán chặt chẽ, song hành với nhau để vừa có tác dụng tạo ra cơ may khơi dậy sức sống cho nền kinh tế nhưng đồng thời cũng mang lại những sức ép đủ cần thiết buộc các chủ thể phải tự cải cách trong xu thế tái cơ cấu.

Ví dụ, để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu gạo, Nhà nước cần mạnh dạn cho vay mua tạm trữ khối lượng lớn với lãi suất 0% (lãi suất dự kiến hiện nay vẫn là 7%/năm) nhằm giữ mặt bằng giá trực tiếp có lợi cho nông dân, đồng thời chờ cơ hội đón đầu sự phục hồi nhu cầu thị trường. Các lĩnh vực đường sá, trường, trạm, cầu cống phục vụ xây dựng nông thôn mới, kể cả cầu treo cho đồng bào các dân tộc thiểu số… không chỉ là những nhu cầu rất bức xúc mà còn mở ra thị trường vô tận cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng… Vai trò của Nhà nước ở đây là chủ trì và ban hành các cơ chế phù hợp để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngân hàng nhằm triển khai những chương trình dự án đầu tư mang lại lợi ích KT-XH lâu dài.

Xét trong bối cảnh hiện nay, sau khi quyết định giảm lãi suất của NHNN có hiệu lực, có thể khẳng định dư địa điều hành “có tính khả dụng” của công cụ lãi suất gần như không còn nhiều, nếu không muốn nói là đã đến ngưỡng “chịu đựng” của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, cần thiết phải nhanh chóng chuyển hướng sự lựa chọn chính sách sang những giải pháp kích cầu có tính trọng tâm, trọng điểm như đã đề cập ở trên. Bên cạnh việc nghiên cứu đề xuất những gợi ý mới, cần đặc biệt quan tâm rà soát, đánh giá lại những chính sách hiện hành đã và đang triển khai, tập trung xử lý những “nút thắt” đang tồn tại kéo dài (ví dụ như chương trình tín dụng nhà ở xã hội, nông nghiệp - nông thôn, tái canh cây cà-phê…) và đặt trong tổng thể của một kế hoạch kích cầu toàn diện với quan điểm và cách tiếp cận mới.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.