.

Động lực mới

Điều quan trọng là Đà Nẵng cần rút ra được những kinh nghiệm quý báu từ sự sáng tạo, đột phá trong quá trình phát triển của thành phố thời gian qua; từ đó tạo ra những nguồn lực mới; trong đó thương hiệu Đà Nẵng, nguồn nhân lực… là những nguồn lực cần phải khai thác hết tiềm năng cho phát triển nhanh và bền vững của Đà Nẵng trong thời gian tới. Đánh giá về nguồn lực - một vấn đề trăn trở trong quá trình phát triển của Đà Nẵng tại buổi làm việc chiều qua (18-3) với lãnh đạo chủ chốt thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như vậy.

Trong Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa IX) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng, Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh đến việc Đà Nẵng cần tìm kiếm nguồn lực mới, tạo động lực mới cho phát triển của thành phố, với mong mỏi về đích sớm (trước năm 2020) trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. Nhận trọng trách đó, không chỉ thời gian gần đây, mà hơn 16 năm qua, Đà Nẵng luôn trăn trở và tìm kiếm nguồn lực phát triển bền vững; trong đó thành tựu nổi bật nhất là đã tạo nên một diện mạo đô thị tương đối khang trang, hiện đại từ việc chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất một cách hợp lý và hiệu quả. Từ bước đi ban đầu đó, Đà Nẵng đã xốc tới trong việc tạo nên thương hiệu của mình không chỉ bằng việc phát triển kinh tế mà cả các chính sách xã hội đậm tính nhân văn.

Từ một thành phố nhỏ bé, Đà Nẵng xây dựng diện mạo đô thị khang trang, hiện đại và thương hiệu mới, từ đó thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ và hợp lý, từng bước đưa cơ cấu kinh tế thành phố sớm chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp; đặc biệt là từ năm 2013 cơ cấu nguồn thu có sự chuyển biến tích cực. Nguồn thu từ đất khoảng 50% các năm trước xuống còn khoảng 24% nhưng vẫn bảo đảm vượt mức tổng nguồn thu của thành phố. Điều đó là minh chứng cho sự đúng đắn trong việc định hướng phát triển của thành phố.  Bên cạnh đó, thành phố đã cơ bản tạo được nguồn nhân lực - nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, mà đánh giá qua hội nghị tổng kết 15 năm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố vừa qua đã chỉ rõ. Thành phố cũng thực hiện nhiều chính sách xã hội đậm tính nhân văn, hướng đến xây dựng một thành phố hài hòa, sống tốt…, được Trung ương và các tổ chức quốc tế đánh giá cao; từ đó góp phần xây dựng một thương hiệu Đà Nẵng tốt đẹp trong mắt người dân trong và ngoài nước.

Cũng chính từ việc xác định tiếp tục hướng phát triển bền vững, bước sang năm 2014, thành phố thống nhất chọn chủ đề là “Năm Doanh nghiệp” sau nhiều năm chọn chủ đề “giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”. Nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra và nhanh chóng triển khai một cách quyết liệt nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định trong thời điểm khó khăn chung để “lợi cả đôi đường”: Doanh nghiệp phát triển, tạo nguồn thu ổn định cho thành phố và từ nguồn thu đó, thành phố có điều kiện để tiếp sức cho doanh nghiệp bằng các chính sách hợp lý và hiệu quả về vốn, thuế, phí, mặt bằng, thủ tục hành chính…

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn lãnh đạo Trung ương và thành phố đến thăm, tìm hiểu tình hình, động viên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn, có đóng góp lớn vào ngân sách của thành phố trong chuyến công tác lần này thể hiện sự quan tâm cũng như kỳ vọng vào một nguồn lực phát triển nhanh và bền vững của Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Sự quan tâm sâu sát, cụ thể và đầy trách nhiệm về động lực mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như Bộ Chính trị là niềm động viên lớn của Đảng, Nhà nước dành cho Đà Nẵng. Với kinh nghiệm của mình, Đà Nẵng luôn sẵn sàng cho việc khai thác và thúc đẩy nguồn lực mới, tạo động lực mới cho thành phố phát triển một cách nhanh chóng và bền vững trong tương lai.

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.