Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa quyết định đưa ra công luận lấy ý kiến về dự thảo thông tư “Quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Động thái này thể hiện quyết tâm rất cao của NHNN khi hoạch định chiến lược cho quá trình phân bổ nguồn lực tín dụng của hệ thống ngân hàng theo định hướng bền vững, không chỉ gắn với tăng trưởng/ hiệu quả kinh tế mà cần thực sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang khó khăn, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, việc thực thi các quy định theo nội dung dự thảo thông tư tất yếu sẽ tạo ra những “rào cản” mới, tác động không ít đến nhận thức và hành động của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là con đường bắt buộc phải lựa chọn nhằm tạo ra một mô hình đột phá mới về “tín dụng xanh”, nếu không muốn phải tiếp tục trả giá đắt hơn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Về mặt kỹ thuật nghề nghiệp, khi xem xét cấp tín dụng, các ngân hàng thường sử dụng tiêu chí thẩm định đánh giá “hiệu quả kinh tế - xã hội” của dự án, trong đó gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tiễn biện pháp này dường như chỉ mang tính hình thức, không có tính cam kết giữa bên đi vay và bên cho vay, và quan trọng hơn là chưa hình thành nên khuôn khổ hành lang pháp lý với những chế tài có hiệu lực kèm theo. Chính vì vậy, không hiếm những công trình, dự án do ngân hàng tài trợ vốn, mặc dù dòng tiền có “đồng ra đồng vào” nhưng lại thuộc diện nằm trong “danh sách đen” về ô nhiễm và hủy hoại môi trường, với những thiệt hại về tinh thần/vật chất không thể lường hết được.
Như tinh thần dự thảo, NHNN quy định khá chặt chẽ lộ trình xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là thay vì NHNN chủ động xây dựng quy định khung pháp lý về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, gắn với hệ thống pháp luật hiện hành để định hướng cho các ngân hàng về những điều kiện cần thiết phải tuân thủ, thì dự thảo lại giao cho các NHTM quyền “tự quyết” gần như mọi khâu từ A đến Z, bao gồm xây dựng chính sách môi trường và xã hội + quy trình thực hiện + công cụ quản lý rủi ro + biện pháp tổ chức và quản lý triển khai? Như vậy, tính thống nhất về quy trình pháp lý + tính hiệu lực của thông tư hầu như không rõ và sẽ khó đi vào cuộc sống.
Do yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, các NHTM sẽ tự thiết kế một bộ khung sao cho “vừa vặn” với chính mình và khách hàng, không tránh khỏi hiện tượng tự “hạ chuẩn” rủi ro môi trường và xã hội? Khi một khoản vay gắn với một dự án cụ thể có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường và xã hội, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, sẽ được hành xử theo hướng nào là điều cần thiết phải làm rõ? Bản thân bên cho vay/bên đi vay phải nhận thức được các hậu quả và chế tài mà họ phải gánh chịu khi để sự cố phát sinh, kể cả buộc phải chuyển sang nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro, khi đó quy định pháp luật mới thực sự có tác động cảnh tỉnh trong thực tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các nguy cơ về môi trường và xã hội đã trở thành những vấn nạn chung của nhân loại, nhiều khi không tồn tại ranh giới cụ thể. Vì vậy sẽ là phiến diện nếu quan niệm “tín dụng xanh” chỉ là mô hình dành riêng cho hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp có liên quan, mà cần thiết phải hình thành nên một hệ thống chính sách vĩ mô, gắn với cơ chế pháp lý và khuyến khích tài chính đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng trong vấn đề có ý nghĩa tầm chiến lược này. Về phía Nhà nước, ngoài hệ thống khuôn khổ pháp lý nói chung, cần huy động, hình thành các quỹ tài trợ trong và ngoài nước/ quỹ bảo lãnh… để hỗ trợ vốn, chi phí cho các doanh nghiệp có thiện chí tích cực nhằm xử lý những tồn tại môi trường kéo dài hoặc chuyển đổi ngành nghề, dịch vụ sản phẩm góp phần khôi phục, tôn tạo và bảo vệ sinh thái môi trường. Có chính sách thuế ưu đãi đối với những công trình, dự án hướng vào việc bảo vệ tài nguyên môi trường mang tính bền vững. NHNN cần ưu tiên về chính sách tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc… nhằm khuyến khích hệ thống NHTM chủ động và mạnh dạn sớm triển khai hệ thống quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
TÂM DÂN