Biển giã - mà ngày nay do thời tiết ngày càng khắc nghiệt và những xung đột vì quyền lợi trên biển ngày càng gia tăng, nên ngư dân thường nói trại ra rằng: biển “giả”!
Ai cũng nói “rừng vàng biển bạc” - biển chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và đa dạng, phong phú; nhưng có khi nó trở thành sự bạc bẽo, đối với thân phận những ngư dân nghèo hoặc gặp tai ương trên biển!
Chính từ cách hiểu xuôi - ngược ấy, có khi người ta lại hiểu về biển hơn, hiểu về những nhọc nhằn, khó khăn của mỗi ngư dân, của mỗi chiến sĩ… đang ngày đêm bám biển, bám đảo, giữ nguyên từng tấc đất, giọt nước thiêng liêng của Tổ quốc, vừa khai thác tài nguyên từ biển để làm giàu cho đất nước và cho chính bản thân mình.
Cũng chính vì vậy, thời gian gần đây, với các chương trình được phát động ngày càng sâu rộng, hàng triệu hàng triệu trái tim người Việt đồng lòng hướng về biển đảo, chia sẻ những khó khăn và luôn động viên người phía trước vững lòng.
Mới đây nhất, tối 10-3, Hội Nhà báo Việt Nam phát động chương trình “Trái tim biển đảo” nhằm kêu gọi nhân dân cả nước chung tay góp sức giúp ngư dân ngày đêm vươn khơi, bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước. Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình mang đậm tính xã hội - nhân văn này nhằm kêu gọi cả nước chung tay góp sức giúp ngư dân bị mất tàu, mất lưới khi hoạt động trên biển và những gia đình ngư dân, gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời là dịp nêu cao những tấm gương ngày đêm bám biển. Chương trình cũng nhằm khẳng định, biểu dương gương doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển.
Trong khi đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, ngày 14-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức lễ phát động kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tại Đà Nẵng. Chương trình này nhằm vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận Gạc Ma (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) ngày 14-3-1988, đồng thời hỗ trợ gia đình, thân nhân 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma và gia đình, thân nhân 74 sĩ quan, thủy thủ của Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm vào tháng 1-1974 đang gặp khó khăn…
Các chương trình vận động đó có nhiều quá không, có trùng lắp không? Sẽ là nhiều, là trùng lắp nếu đem so đo, tính toán; nhưng sẽ là một sự cộng hưởng cần thiết khi chúng ta cùng nhìn về những giá trị đích thực từ biển trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chúng ta cùng hướng về biển đảo trong tình thương yêu và trách nhiệm với mỗi số phận bình thường trong cuộc sống đang còn gặp nhiều khó khăn, hoạn nạn; là sự tôn vinh với mỗi con người đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, nơi biển đảo tiền tiêu để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
ANH QUÂN