.

Quy hoạch và tạo nguồn nhân lực

Biết nhu cầu bao nhiêu, lĩnh vực nào cần để từ đó đưa gia giải pháp thu hút, đào tạo là một trong những định hướng cụ thể trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) của thành phố trong thời gian đến. Nội dung này thu hút nhiều sự quan tâm tại hội nghị tổng kết 15 năm phát triển NNLCLC của thành phố Đà Nẵng được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hôm qua (12-3).

Trên thực tế, để phát triển hiệu quả những ngành, lĩnh vực mũi nhọn, yêu cầu tiên quyết là phải có nhân lực có trình độ cao ngành đó, mà định hướng phát triển của thành phố là phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế và quản lý đô thị… Do vậy, cần có quy hoạch mang tính chiến lược, bài bản ngay từ sớm nguồn nhân lực ở những lĩnh vực trọng yếu này. Trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực, cơ quan chuyên môn sẽ triển khai công tác dự báo nhu cầu trong khu vực công và khu vực tư cho từng ngành theo từng giai đoạn. Đây cũng là biện pháp để tổ chức tổng rà soát toàn bộ nhu cầu, vị trí việc làm và khung năng lực ở từng bộ phận trong các sở, ban, ngành của thành phố trong thời gian đến.

Song song với quy hoạch, một giải pháp lớn khác cần thực hiện tốt trong thời gian tới đó là tiếp tục thực hiện công tác tạo nguồn để phát triển nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều đó, Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Yêu cầu lớn là phải xây dựng và phát triển trường này trở thành trường có chất lượng giáo dục cao hơn, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại, thật sự là cái nôi sản sinh những tài năng cho thành phố. Song song đó, thành phố cần tiếp tục đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường THPT trên địa bàn nhằm phát triển nhân lực từ xa, từ sớm.

Cách làm ưu tiên là thực hiện tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp và có chính sách thu hút những học sinh ưu tú nhất tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Để làm được điều đó, các cơ quan hữu quan cần có những “con mắt xanh” nhằm phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng trở thành những cá nhân có ý thức tự lực, đam mê nghiên cứu sáng tạo, có nền tảng kiến thức vững vàng, có đạo đức và lòng yêu nước nhằm đóng góp vào sự phát triển đi lên của thành phố.

Bài học lớn về công tác cán bộ được đúc kết mà Đà Nẵng có quyền tự hào là ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 12-12-1997, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố. Từ đó đến nay, thành phố triển khai đồng bộ công tác phát triển NNLCLC mà khâu đột phá là quyết định đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn làm nơi phát triển nguồn nhân lực từ xa và sớm.

Trên cơ sở đó, thành phố bắt tay thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng, bố trí cán bộ có trình độ cao, sinh viên khá giỏi vào làm việc; đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo đề án phát triển NNLCLC. Đi liền đó là tổ chức bồi dưỡng trình độ thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức. Cách làm của thành phố cũng khác với các địa phương khác là ngoài cấp ngân sách đào tạo sau bậc đại học, Đà Nẵng cấp thêm học bổng để đào tạo học viên ngay từ bậc đại học. Hướng đi linh hoạt, đột phá này đã và đang mang lại những kết quả rất to lớn để tạo nguồn cán bộ các cấp của thành phố vững về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu công việc mà mình được giao phó.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.