.

Thỏa đáng

Như vậy, từ ngày 17 đến 22-3, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp đối thoại, giải quyết các vụ khiếu nại kéo dài hàng chục năm của 24 hộ dân của thành phố.

Trong lần đối thoại này, nhiều hộ dân còn mời cả luật sư đi cùng để trợ giúp pháp lý. Các cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, công khai và thẳng thắn. Các hộ dân được trình bày nội dung khiếu nại và lý lẽ, chứng cứ phản biện các quyết định thu hồi đất của các cấp chính quyền thành phố và yêu cầu giải thích, chứng minh. Hầu hết các khiếu nại tập trung vào vấn đề giải tỏa, đền bù và yêu cầu chứng minh cơ sở pháp lý để ra các quyết định thu hồi đất của các cấp chính quyền thành phố và chính sách đền bù, bố trí tái định cư. Tại các cuộc đối thoại, cơ quan chức năng của thành phố đã viện dẫn căn cứ pháp luật khẳng định việc chính quyền các cấp của thành phố ra quyết định thu hồi đất và các quyết định về đền bù, bố trí đất tái định cư là đúng trình tự, thủ tục, đúng pháp luật. Ý kiến của đại diện các bộ, ngành Trung ương tại cuộc đối thoại cũng thừa nhận các quyết định thu hồi đất của chính quyền các cấp thành phố là đúng quy trình, quy định pháp luật.

Ngược lại, tất cả các hộ dân qua đối thoại lần này đều không đưa ra được tình tiết mới phát sinh làm thay đổi bản chất của sự việc. Điều đó chứng minh các quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của chính quyền thành phố trước đó là đúng pháp luật. Việc giải quyết quyền lợi của các hộ dân về mức đền bù và bố trí đất tái định cư đều hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật.

Nhiều hộ dân được bố trí đất tái định cư với số lô và tổng diện tích gấp từ 2 đến hơn 3 lần diện tích đất ở bị thu hồi. Theo nhận định của đại diện Thanh tra Chính phủ và đại diện các bộ, ngành tại buổi đối thoại, việc giải quyết quyền lợi cho người dân về bố trí đất tái định cư của thành phố đối với các hộ dân này là quá ưu ái. Tại buổi đối thoại, trên cơ sở trình bày nguyện vọng, hoàn cảnh của các hộ dân và ý kiến đề xuất của cơ quan chức năng của thành phố, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thành phố điều chỉnh về quyền lợi của các hộ dân như bố trí thêm lô đất, đổi vị trí lô đất từ đường nhỏ ra đường lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp Thanh tra Chính phủ đồng ý với đề xuất của thành phố giữ nguyên mức bố trí số lô đất tái định cư.

Kết thúc đối thoại, một số hộ dân không đồng tình với kết luận đối thoại của Thanh tra Chính phủ khi không được đề xuất bố trí thêm lô đất tái định cư và phản ứng bằng cử chỉ không ký biên bản đối thoại. Thậm chí có trường hợp như ông Trương Thanh Xuân khi đối thoại chỉ yêu cầu trả lời có giải quyết quyền lợi theo yêu cầu của ông hay không, khi các cơ quan chức năng xem xét cho ý kiến mức đền bù và bố trí đất tái định cư đã rất thỏa đáng rồi thì ông này giăng biểu ngữ với nội dung vu khống chính quyền thành phố. Hành vi của những hộ dân này cho thấy sự đòi hỏi quyền lợi thái quá không thể chấp nhận được. Nó cho thấy mục đích cuối cùng của họ chỉ đòi hỏi thêm quyền lợi chứ không phải là yêu cầu trưng ra căn cứ pháp lý các quyết định thu hồi đất của các cấp chính quyền thành phố. Đây là sự đòi hỏi thiếu công bằng (nếu được chấp nhận) so với hơn 100.000 hộ dân thành phố Đà Nẵng đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương di dời giải tỏa để phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị trong những năm qua.

Rõ ràng, chính quyền thành phố đã giải quyết rất thỏa đáng yêu cầu của các hộ dân này trước đó là đúng đắn, không thể “xuống nước” chấp nhận những đòi hỏi quyền lợi quá đáng này. Cuộc đối thoại lần này cho thấy sự thống nhất về cách giải quyết khiếu nại từ Trung ương đến chính quyền thành phố được dư luận đồng tình, hoan nghênh.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.