.

Tinh thần Gạc Ma

40 năm trước Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam làm 74 người con nước Việt ngã xuống.

Vào ngày này cách đây 26 năm (ngày 14-3-1988), Trung Quốc lại tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam kết thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã hy sinh anh dũng. Trân trọng tinh thần quyết tử của các anh cho sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước, nhân dân đã gọi một cách thiêng liêng đó là “Vòng tròn bất tử”.

Sóng gió biển khơi có thể xóa tan máu đào của các liệt sĩ Gạc Ma nhưng không xóa được “Vòng tròn bất tử” trong lòng dân tộc Việt Nam. Các anh mãi mãi bất tử với tinh thần kiên trung bất khuất tại Gạc Ma. Tiếp nối tinh thần ấy, ngay sau trận Gạc Ma, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn hành quân ra Trường Sa trấn giữ vùng lãnh thổ, vùng biển máu thịt của Tổ quốc bất chấp quân Trung Quốc tiếp tục đe dọa dùng vũ lực cưỡng chiếm. Cho đến hôm nay, tinh thần Gạc Ma đã động viên lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường ra Trường Sa xây dựng cuộc sống và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Những năm gần đây, tinh thần Gạc Ma tiếp tục thổi bùng ý chí kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước trong người dân Việt Nam. Nó thể hiện ở việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam (ngày 21-6-2012). Đó là hoạt động sưu tầm và triển lãm các tài liệu - chứng cứ lịch sử khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là những cuộc hội thảo khoa học trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là các chương trình của nhiều tổ chức: “Trái tim biển đảo”, “Vì biển đảo quê hương”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, “Minh triết làm chủ Biển Đông”... và nhiều chương trình, hoạt động khác nữa.

Tinh thần Gạc Ma đã thôi thúc người Việt Nam dù sinh sống trong hay ngoài nước đứng lên đoàn kết lại vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Với tinh thần ấy, dù khác nhau về chính kiến, quan điểm nhưng đều chung một cội nguồn, chung truyền thống bất khuất trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đã hun đúc qua bốn ngàn năm lịch sử. Họ là những hùng binh Hoàng Sa ra đi từ Lý Sơn, hay những người lính quân đội Việt Nam Cộng hòa, đến các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Dù hy sinh ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào họ vẫn là người Việt Nam. Tổ quốc, dân tộc không quên những người Việt vị quốc vong thân. Họ xứng đáng được nhân dân tri ân, tưởng nhớ.

Với tinh thần Gạc Ma hôm nay, trước vong linh những người đã ngã xuống vì sự vẹn toàn đất nước, chúng ta càng thấy mình phải có trách nhiệm siết chặt tay nhau, đoàn kết vì dân giàu, nước mạnh; giữ yên bờ cõi, tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất trong dựng nước và giữ nước của cha ông.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.