.

Từ 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

1. Trong một động thái mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nâng cấp và thành lập mới trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) để rà soát, điều chỉnh mạng lưới các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Trước đó, bộ này cũng quyết định dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo ĐH của 71 trường ĐH, đồng thời cảnh báo gần 300 ngành đào tạo CĐ không đủ điều kiện về đội ngũ, cần thiết phải khắc phục bổ sung trong năm 2014, nếu không sẽ bị dừng tuyển sinh. Sau đó, đã có một số ngành được tuyển sinh trở lại, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở các ngành năng khiếu.

Cả hai việc trên đều nhằm giúp các trường điều chỉnh, bổ sung đội ngũ cho phù hợp quy định, bảo đảm quyền lợi cho sinh viên được học một cách có chất lượng các chương trình đào tạo ĐH; bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt đối với các trường mới thành lập nhằm giữ vững tính ổn định của hệ thống và hướng tới mô hình phát triển giáo dục ĐH dựa trên chất lượng, hiệu quả.

Điều gì đã xảy ra khi trong vòng 3 tháng trở lại đây, Bộ GD-ĐT đã siết chặt quản lý đối với việc đào tạo ở bậc ĐH, CĐ với lý do bảo đảm chất lượng đào tạo; không chừng sắp tới sẽ siết như vậy với đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ?

Câu trả lời không khó khi nhìn vào thực tiễn đào tạo bậc ĐH, CĐ và nhất là con số thất nghiệp mà Bộ LĐ-TB&XH công bố mới đây. Trong số 900.000 người thất nghiệp của năm 2013, thì có đến hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012! Một con số mà nhiều người cho rằng không ngạc nhiên, bởi sự bùng nổ các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trên cả nước thời gian qua dường như đã ra ngoài tầm kiểm soát, dù đã được các chuyên gia cảnh báo. Việc bùng nổ phải chăng là do dự báo không đúng thị trường lao động, tình hình khủng hoảng kinh tế thời gian gần đây, hay chỉ đơn giản là cái “lộc” từ “tư duy nhiệm kỳ” mà nhiều người thấy được từ việc thành lập mới, nâng cấp các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ?

Cái “lộc” ấy dành cho nhà quản lý, hay cũng dành cho cả cơ sở đào tạo khi họ dễ dàng thấy được xu thế “trọng bằng cấp” vẫn nặng nề trong xã hội, việc dễ dàng vét túi người học luôn trong tư thế sẵn sàng lao vào ĐH, CĐ bằng mọi giá?! Câu trả lời ai cũng tìm được, nhất là những người trong cuộc. Từ thực trạng đó, có thể thấy rằng, chất lượng đào tạo bậc ĐH, CĐ trong nước đã đến hồi báo động, cần có một “bàn tay thép” để chấn chỉnh thực sự, chứ không thể siết trong một thời gian rồi lại nới lỏng vì mục đích trước mắt nào đó!

2. Cũng từ việc nhìn nhận chất lượng đào tạo hiện nay, trong những năm qua, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao bậc đại học trở lên, Đà Nẵng đã chọn những trường danh tiếng, có xếp hạng chính thức cả trong và ngoài nước để đưa đi đào tạo. Việc nhìn nhận và triển khai này là đúng đắn, bởi với sự đầu tư một cách đúng hướng và với nỗ lực của học viên, theo đánh giá của hội nghị về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mới đây, những học viên tốt nghiệp trở về thành phố dĩ nhiên có việc làm ngay và có điều kiện để phát huy sở trường, năng lực của mình. Tất nhiên khó có thể so sánh việc đầu tư tinh túy như thế so với đào tạo ĐH, CĐ trở lên đại trà như hiện nay, nhưng điều đó cũng cho thấy cần phải có cái nhìn đúng đắn về đào tạo và sử dụng nhân lực một cách hài hòa, có cơ sở khoa học; từ đó có sự định hướng cho xã hội, tránh tình trạng thất nghiệp tràn lan, nhất là nguồn thất nghiệp lại tập trung vào đối tượng đã được đào tạo “một cách tương đối bài bản” như hiện nay và cả trong tương lai gần.

Thế nên, trước khi nhà quản lý ra tay siết chặt chất lượng đào tạo, người học phải tự chịu trách nhiệm, tự tìm hướng đi đúng đắn cho mình trên hành trình lập nghiệp; đặc biệt là nhìn nhận đúng năng lực, sở trường của mình chứ không chạy theo việc chuộng bằng cấp, bởi theo cơ chế thị trường, đã đến lúc nhà tuyển dụng cần “chất” chứ không phải “lượng”.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.