.

Cấp thiết đổi mới dân vận

Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và nòng cốt của Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác dân vận (DV) không phải là vấn đề mới. Mới ở đây là những yêu cầu mới của công tác DV, những khó khăn, thách thức mới mà công tác DV đang đối mặt. Đây là vấn đề Ban DV Thành ủy và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đặt ra cho mình tại hội thảo về vấn đề nêu trên diễn ra chiều qua (22-4).

Bên cạnh khẳng định những thành quả to lớn từ công tác DV đem lại, hội thảo đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém đòi hỏi phải khắc phục. Đó là việc xây dựng và triển khai chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Đảng về công tác DV còn hạn chế. Việc thể chế hóa đối với chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Thành ủy về công tác dân vận chưa kịp thời. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể có lúc có nơi còn hình thức, thiếu hấp dẫn, chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng nhân dân. Còn những bức xúc của người dân chậm giải quyết. Đâu đó vẫn còn nhận thức sai lệch, công tác DV là của Ban DV, của Mặt trận và đoàn thể để khoán trắng cho các tổ chức này. Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) đến năm 2020 chỉ rõ “...yêu cầu đầu tư phát triển thành phố ngày càng cao, nhưng khả năng huy động các nguồn lực trong giai đoạn đến sẽ không thuận lợi như 10 năm qua, trong khi đó nhiều vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... đặt ra nhiều thách thức cho thành phố.”

Mặt khác, tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch không ngừng sử dụng chiêu bài nhân quyền, dân chủ, tôn giáo... để chống phá chế độ ta. Đó là những thách thức cho công tác DV của thành phố Đà Nẵng trước yêu cầu cần tiếp tục tạo ra sự đồng thuận xã hội, huy động nguồn lực mới, tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố.

Hội thảo đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên đồng thời nhấn mạnh: Phải tạo chuyển biến thực sự và có hiệu quả về công tác DV của Mặt trận, các đoàn thể và các cơ quan Nhà nước, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền cần phải đạt hiệu quả nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác DV trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, cơ quan Đảng, Nhà nước; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong chỉ đạo thực hiện công tác dân vận. Đồng thời cần có chương trình, giải pháp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về công tác DV để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, hội viên, đoàn viên... làm tốt công tác DV của Đảng.

Xác định Mặt trận và các đoàn thể có vai trò quan trọng trong tham mưu và nòng cốt của công tác DV đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng cho bộ máy tổ chức là những cán bộ, đảng viên có trình độ, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là phải có năng lực hiệu triệu, tập hợp, vận động và thuyết phục quần chúng cùng với bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tương xứng với yêu cầu của công tác DV trong tình hình mới.

Đổi mới công tác DV cũng cần phải vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia làm DV. Nhân rộng mô hình “người tích cực” vận động, thuyết phục “người chưa tích cực” tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Công tác thông tin tuyên truyền phải góp phần mở rộng các kênh thông tin, đối thoại trực tiếp với nhân dân góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội; phát huy sức mạnh dư luận xã hội lành mạnh; chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Với việc xác định phải đổi mới công tác DV từ việc nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, nòng cốt của Mặt trận, đoàn thể, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng đồng thuận xã hội, góp phần tạo động lực mới để tiếp tục phát triển bền vững.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.