.

"Dục tốc bất đạt"

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi kiểm tra thực tế các công trình văn hóa trọng điểm của thành phố Đà Nẵng và kết luận tại buổi làm việc với một số sở, ngành sáng 11-4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định: Đã đến lúc phải đầu tư xứng tầm cho văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta không nên nóng vội, cấp bách chỉ để đáp ứng ở hiện tại mà không phù hợp trong tương lai.

Ngay tại buổi làm việc, ngành Văn hóa đề xuất các phương án đầu tư, cải tạo, nâng cấp 4 công trình văn hóa trong năm 2014, gồm Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Con số này không phải là nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn, siết chặt chi tiêu hiện nay, nhưng cũng không phải là quá lớn mà thành phố không đủ khả năng đầu tư - nhất là những công trình văn hóa trọng điểm.

Vấn đề ở đây, chúng ta làm như thế nào để phù hợp với công năng sử dụng ở hiện tại mà còn đáp ứng tốt ở tương lai. Nếu không cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng thì 5-10 năm sau… lại phải cùng nhau ngồi lại bàn tiếp chuyện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Thực tế tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm chứng minh, năm 2002, thành phố đầu tư gần 7 tỷ đồng để xây dựng mở rộng không gian trưng bày và nâng cấp chỉnh lý trưng bày… nhưng do không tính toán kỹ lưỡng, hơn 10 năm qua, tại bảo tàng này vẫn bộc lộ những hạn chế trong việc tổ chức lưu giữ, trưng bày và không đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập của du khách. Hay tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, mới đưa vào sử dụng hơn 10 năm, nay lại phải đề xuất mở rộng khán phòng, đầu tư sửa chữa… Dẫu biết rằng, qua một thời gian sử dụng, việc sửa chữa, bảo dưỡng là việc làm thường xuyên, nhưng nếu ngay từ đầu biết tính toán hợp lý và có những giải pháp tối ưu thì bây giờ, tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đâu phải bận tâm nhiều đến việc âm thanh sẽ bị ảnh hưởng khi mở rộng nhà hát; hoặc là không có chỗ để xe, hoặc không gian chật, không đáp ứng tốt nhu cầu xem nghệ thuật của nhiều đoàn khách quốc tế đến từ tàu du lịch biển.

Thêm một công trình “nóng hổi” mà những nhà quản lý văn hóa cần phải suy ngẫm. Mới đây, người đứng đầu Bảo tàng Đà Nẵng lại lên tiếng với báo chí rằng: “Việc xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng ngay trong lòng Thành Điện Hải là chúng ta đã vi phạm Luật Di sản”. Ngoài việc quy hoạch địa điểm sai lầm, việc thiết kế các khu chức năng của công trình này gần như không phù hợp, nhiều chỗ vừa làm xong phải phá dỡ vì bất hợp lý, không sử dụng được. Bảo tàng không chỉ thiếu hệ thống thông gió mà việc xây một nhà kính ngay hành lang phía trước để làm nơi nghỉ ngơi cho du khách và bán hàng lưu niệm là hoàn toàn không hợp lý. Bên cạnh những bất cập trong thiết kế, Bảo tàng Đà Nẵng chỉ mới đưa vào sử dụng hơn 3 năm nhưng đến nay đã có nhiều hạng mục xuống cấp.

Nhìn vào thực tế những bất cập từ các công trình văn hóa được nêu ở trên, mới thấy hết sự cẩn trọng là rất cần thiết. Và, cũng từ thực tế này, hơn bao giờ hết, ngành Văn hóa và các ngành liên quan cần phải thận trọng hơn trong việc tham mưu, đề xuất những phương án tối ưu khi đầu tư xây dựng, nâng cấp hoặc sửa chữa các công trình, thiết chế văn hóa; không nên chạy đua chỉ để đáp ứng những nhu cầu ở hiện tại mà không tính toán đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa trong tương lai; bởi ông bà đã đúc kết: “Dục tốc bất đạt”!

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.