.

Hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

Có 140 doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhưng chỉ một doanh nghiệp chọn Đà Nẵng. Vì sao thành phố biển này lại kém hấp dẫn như vậy trong mắt các nhà đầu tư Đan Mạch?

Trong buổi họp báo chiều 24-4, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen bày tỏ sự bất ngờ trước những thành tựu mà Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian rất ngắn vừa qua. Ông đánh giá cao cách làm và những thành công của Đà Nẵng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực châu Á. Tuy nhiên, điều khiến ông bất ngờ hơn là số lượng ít ỏi các doanh nghiệp Đan Mạch nói riêng và các nhà đầu tư châu Âu nói chung đầu tư vào thành phố.

Bất ngờ của ông John Nielsen hoàn toàn có cơ sở bởi Đà Nẵng là thành phố động lực của vùng kinh tế miền Trung; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ, đường biển, đường không; là điểm cuối và cửa ngõ giao thương của hành lang kinh tế Đông - Tây. Thành phố có cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế cùng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, cấp điện, nước, bưu chính viễn thông ngày càng hoàn chỉnh. Đà Nẵng có lợi thế về phát triển du lịch - dịch vụ, có hệ thống giáo dục - đào tạo khá hoàn chỉnh, trình độ học vấn của người dân tương đối cao. Đà Nẵng còn được thiên nhiên đã ban tặng hơn 70km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, quanh năm chan hòa ánh nắng và thiên nhiên, môi trường thực sự trong lành.

Vậy lý do duy nhất là các nhà đầu tư Đan Mạch nói riêng và châu Âu nói chung thiếu thông tin về Đà Nẵng, về môi trường đầu tư hấp dẫn cũng như những chính sách thông thoáng mà thành phố đang thực hiện. Vì vậy, việc xây dựng và củng cố hình ảnh Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện cái nhìn của nhà đầu tư, từ đó thay đổi quyết định đầu tư của họ. Đây là thông điệp của ông John Nielsen.

Thông điệp tiếp theo của ngài Đại sứ là ngoài yếu tố hạ tầng kỹ thuật còn cần phải có sự đồng bộ về hạ tầng văn hóa. Theo đó, Đà Nẵng cần nhanh chóng tính đến việc khi nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn thành phố để làm ăn lâu dài, các hoạt động thiết yếu khác như môi trường đào tạo học thuật quốc tế, bệnh viện quốc tế, các khu vui chơi giải trí, ngân hàng, bảo hiểm, mua sắm, lưu trú… phải được bảo đảm để có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và tiện lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Ông John Nielsen không giấu những ấn tượng đối với Đà Nẵng, về những gì mà thành phố đạt được trong thời gian ngắn, về những mục tiêu trong tương lai, đặc biệt là mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Ông nói rằng, những ấn tượng này sẽ được gửi đến tất cả các doanh nghiệp Đan Mạch. Tuy nhiên, hiện thực hóa các khoản đầu tư từ Đan Mạch lại là công việc của Đà Nẵng.

Thực tế, câu chuyện làm thế nào để Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là trăn trở của lãnh đạo thành phố từ nhiều năm nay. Song, để Đà Nẵng hoàn thiện, không bị “mất điểm” trong cái nhìn của các nhà đầu tư không phải là chuyện làm được ngay trong ngày một ngày hai. Và những thông điệp của Đại sứ Đan Mạch đáng để chúng ta suy ngẫm.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.