Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ngày hôm qua: Lực lượng kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt. Như vậy, Việt Nam có một lực lượng dân sự chính thức thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản trên biển; đồng thời đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Tại lễ ra mắt, trong bài phát biểu quan trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến việc lực lượng kiểm ngư được thành lập còn là một sự khẳng định chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên biển, vấn đề nguồn lợi thủy sản và tài nguyên biển của đất nước sẽ được lực lượng này thực thi nhiệm vụ bảo vệ. Bất cứ hành vi vi phạm pháp luật thủy sản, bất cứ tàu thuyền nước ngoài nào có những hành vi phi pháp, xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam sẽ bị ngăn chặn và xử lý.
Đối với các ngư dân Việt Nam, những người trực tiếp lao động trên biển, đây là một tin rất vui. Vui vì từ nay có thể yên tâm đánh bắt xa bờ mà không lo bị “tàu lạ” xua đuổi, ngăn cản, thậm chí đập phá, lấy tài sản. Vui vì từ nay có thể không còn tức tưởi vì bị ức hiếp ngay trên vùng biển của chính mình. Vui vì kiểm ngư chính là lực lượng sát cánh nhất với ngư dân trên biển, mọi rủi ro, bất trắc ở đại dương mênh mông do tai nạn, thời tiết... sẽ được lực lượng chuyên nghiệp này có mặt và hỗ trợ kịp thời. Đây chính là chỗ dựa vững chắc nhất của ngư dân trên biển trong việc sản xuất, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Một sự kiện quan trọng khác liên quan đến ngư dân và ngành thủy sản cũng diễn ra ngày hôm qua tại Đà Nẵng: Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế biển Việt Nam là một trong những chủ trương lớn của chính quyền các cấp. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành gần 20 chính sách hỗ trợ ngư dân đã minh chứng điều đó. Thế nhưng, ngư dân vẫn còn hết sức khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách đó, nhất là trong tiếp cận tín dụng ưu đãi cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, các chính sách về hỗ trợ xăng dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá... Những chính sách quan trọng khác về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu neo đậu tàu thuyền, khu tránh bão, hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân... vẫn còn đó những khó khăn, hạn chế. Một ví dụ: Sức chứa tối đa của Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) hiện không quá 800 tàu lớn nhưng riêng tại Đà Nẵng đã có hơn 1.600 tàu cá. Vào mùa mưa bão, ngoài số tàu cá này còn có khoảng 600 tàu các địa phương khác vào tránh trú nên quá tải nghiêm trọng. Chưa có một nơi neo đậu tàu thuyền an toàn thì chưa thể nói ngư dân yên tâm bám biển sản xuất được.
Nếu như việc thành lập và chính thức ra mắt lực lượng kiểm ngư có ý nghĩa “tiền phương” - chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trên biển thì các chính sách hỗ trợ trên bờ là “hậu phương” vững vàng để ngư dân có được điều kiện tốt nhất vươn khơi. Và ở “hậu phương” này, thêm một tin vui nữa đến với ngư dân khi tại hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết dành 10.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi với thời hạn 10 năm để hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá. Có lẽ, trong mọi chính sách hỗ trợ ngư dân, chính sách quan trọng nhất, điều mà nhiều người quan tâm nhất, ngư dân trông chờ nhất là nguồn vốn ưu đãi.
Nút thắt này được tháo gỡ bằng cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãi suất cho ngư dân vay tối đa 5%, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Chiến lược Biển là cơ hội cho phát triển kinh tế biển của đất nước. Biển là tiềm năng, lợi thế của đất nước, là không gian sinh tồn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để cải thiện đời sống nhân dân và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Để thực hiện được mục tiêu đó, phải tạo mọi điều kiện cho ngư dân bám biển, bởi ngư dân chính là lực lượng trực tiếp sản xuất ra giá trị vật chất trên biển, đồng thời là lực lượng quan trọng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển.
Khi ngư dân yên tâm về một “hậu phương” vững vàng cùng với một “tiền phương” vững chắc, cơ hội đang mở ra cho kinh tế biển của đất nước và cho chính các ngư dân vốn dạn dày sương gió!
ĐÀ NAM