.

Khẳng định bằng hành động

Trước khi Thường trực Thành ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các quyết định của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội trong cán bộ chủ chốt của thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã triển khai việc lấy ý kiến phản biện về cầu đi bộ qua sông Hàn theo “đơn đặt hàng” từ Thường trực Thành ủy.

Hội nghị được đánh giá là thành công, bởi nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra, để từ đó những người lãnh đạo tham khảo trước khi quyết định một dự án liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều người cũng đồng ý đó là một quyết định hợp thời và sáng suốt, khai thác được sức mạnh trong nhân dân, góp phần tích cực vào quyết định các chủ trương, chính sách của lãnh đạo thành phố. Thế nhưng, cũng có ý kiến băn khoăn, rằng đến bây giờ mới thấy được và làm được điều đó một cách cụ thể thì phải chăng là hơi muộn màng; là đã để lãng phí những ý kiến đóng góp, mang tính phản biện tích cực của xã hội, huy động được sức mạnh đồng thuận của toàn dân - một trong những yếu tố góp phần làm nên sức mạnh thời đại trong các cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Bởi, trước hết, nhìn lại lịch sử trước 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), phải khẳng định rằng, mục tiêu hướng đến của cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng rất rõ ràng, cụ thể: Giành lấy một nước Việt Nam độc lập, tự do, non sông liền một dải, không phụ thuộc vào các thế lực nước ngoài, để tiến tới xây dựng CNXH trên toàn quốc. Lực lượng xã hội được huy động rất mạnh mẽ về nhân lực và vật lực, về ý chí và hành động, có sự hậu thuẫn rất lớn từ hậu phương miền Bắc và sự đồng lòng của những người trực tiếp làm cách mạng ở miền Nam. Nhờ đó, dù trải qua 20 năm gian lao với những mất mát, hy sinh to lớn, nhưng cuộc cách mạng đã đi đến thành công với mục tiêu cụ thể đã đạt được - lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập vào đúng trưa ngày 30-4-1975!

Bước sang giai đoạn mới sau ngày thống nhất, trước những tình thế thay đổi của cục diện thế giới, của yêu cầu cách mạng Việt Nam, con đường kiên định đi lên CNXH cũng gặp lắm chông gai, đi qua những giai đoạn khúc khuỷu; có lúc gặp khó khăn, suy kiệt về kinh tế trầm trọng. Thế nhưng, Việt Nam vẫn vững vàng đi lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ, khẳng định được vị thế trên trường thế giới; đời sống nhân dân cơ bản được ổn định và từng bước được nâng lên; đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy… Đó là những thành quả gặt hái được, sờ nắm được để thể hiện rằng, những máu xương của các thế hệ đi trước đã được đền đáp, con đường mà họ hy sinh để giành lấy được thế hệ kế thừa tiếp tục dựng xây.

Tuy nhiên, nhìn lại 39 năm qua - nghĩa là thế hệ thứ 3 đã ra đời từ sau ngày 30-4-1975 lịch sử ấy, vẫn thấy rằng bước tiến của nước ta vẫn còn quá chậm so với các nước trong khu vực. Câu chuyện đổ lỗi do hậu quả của chiến tranh chắc chắn trở nên lỗi thời nếu chúng ta thực sự nhập cuộc đầy tự tin và mạnh mẽ từ sớm; thế nên nguy cơ tụt hậu là một trong 4 nguy cơ luôn được Đảng ta xác định trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Nhiều vấn đề liên quan đến phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, khai thác nguồn lực từ xã hội luôn được đặt ra nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Nhận thức về việc “dựa vào dân” để thành công nhiều lúc, nhiều nơi trở lại là lý thuyết, mà chưa thực sự đi vào đời sống như thời huy động sức dân vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất đất nước từ 39 năm về trước…

Từ đó, để tạo nên những thành tựu mới, vững chắc hơn, thì không chỉ nhìn lại và tự hào mãi về kết quả của công cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc trước các thế lực xâm lăng, mà phải hướng tới và giải quyết những vấn đề thiết thực cho đất nước, cho nhân dân; phải đem lại những kết quả cụ thể trong đời sống của mỗi người dân. Các thế hệ đi trước đã đổ nhiều máu xương, tất cả là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đầy đủ hơn cho các thế hệ sau, để cháu con khỏi phải tủi hổ trước con mắt của năm châu. Việc đó phải được nhìn nhận một cách thấu đáo và giải quyết rốt ráo; từ trong các chủ trương, chính sách lớn đến từng hành động mỗi ngày.

Có như vậy, thì chân lý cuộc cách mạng trường kỳ của dân tộc mới được khẳng định, qua chính hành động trong cuộc sống hôm nay!

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.