Một trong 4 vấn đề đặt ra trong nội dung hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp HĐND thành phố thứ 8 và 9, chính là việc “lấp” các khu đất trống tại trung tâm thành phố nhằm bảo đảm cảnh quan đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường.
Trước những bức xúc của cử tri qua nhiều kỳ họp về việc dây dưa trong thực hiện các dự án, để những “khu đất vàng” của thành phố trở nên nhếch nhác, ảnh hưởng đến hình ảnh của một “thành phố sống tốt”, “cảnh quan châu Á”…, HĐND thành phố đã yêu cầu cơ quan chức năng tìm kiếm giải pháp để xóa đi hình ảnh xấu xí này. Nhờ đó, cảnh quan chung quanh những khu đất trống do dự án “treo” nhiều năm như Viễn Đông Meridian, Danang Center, công viên công cộng và bãi đỗ xe ngầm… đã được cải thiện đáng kể với việc lùi hàng rào tạm, mở rộng vỉa hè để trồng cỏ và hoa… Công việc hoàn thành đúng tiến độ và được người dân đồng tình. Tuy nhiên, còn 2 khu đất tại Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ và Thành Đoàn Đà Nẵng (cũ) trên đường Lê Duẩn chưa được triển khai triệt để và được biết, đơn vị chủ quản hứa sẽ hoàn thành hạng mục trồng cây xanh và san gạt mặt bằng, sơn sửa hàng rào và cổng ngõ vào cuối tháng 4 này.
Đi với hiệu ứng từ các “khu đất vàng” ở trung tâm, hình ảnh các khu đất trống trên địa bàn các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà… cũng được cải thiện đáng kể. Ví dụ khu đất rộng lớn cỏ rác ngập đầu ở mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được dọn dẹp tương đối sạch sẽ để làm khu vực cho thuê đậu đỗ xe container, ô-tô tải…, vừa bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng xe đậu đỗ trên đường vừa đem lại thu nhập chính đáng cho người dân và nguồn thu cho ngân sách. Rồi hình ảnh những hàng quán nhếch nhác, xập xệ tại các lô đất trống trên tuyến đường Hoàng Sa (đoạn giữa đường Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt) cũng được xử lý với hình ảnh sạch đẹp hơn…
Từ thực trạng đó cho thấy, nếu nhìn nhận đúng tình hình, đưa ra giải pháp hợp lý và kiên quyết triển khai thực hiện, thì cơ bản giải quyết được hình ảnh xấu xí, mất vệ sinh ở những khu đất trống do dự án chậm triển khai, nhà cửa chưa xây dựng… tạo ra. Điều đó không những cải thiện được hình ảnh của đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra việc làm, đem lại thu nhập cho người dân và ngân sách đáng kể cho thành phố. Điều đó cũng cho thấy, nếu có tinh thần trách nhiệm, những vấn đề tương tự có thể giải quyết một cách tốt đẹp và đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, không phải “khoảng trống trách nhiệm” này ở đâu và lúc nào cũng được lấp đầy như vậy. Cứ nhìn vào những lô đất trống vẫn còn nhếch nhác trải khắp thành phố, việc xây dựng hàng quán tạm bợ, xập xệ, cảnh buôn bán tràn lan trên vỉa hè… đi ngược lại với chủ trương xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp, văn minh và hiện đại trong các văn bản, nghị quyết, thì sẽ thấy rõ “khoảng trống trách nhiệm” đó. Tại sao việc hàng quán tạm bợ, cả kinh doanh trên vỉa hè tràn lan trên đường Phạm Văn Đồng kéo dài từ cầu Sông Hàn đến Công viên Biển Đông vẫn không được giải quyết triệt để, mà lý do chỉ là tạo điều kiện thu nhập chính cho người nghèo, hộ tái định cư hoặc công tác xử phạt gặp khó khăn do đa phần người dân buôn bán là lao động phổ thông, nhỏ lẻ không chấp hành, chây ỳ…? Giải pháp đơn giản chỉ là yêu cầu các chủ dự án, chủ khu đất trống phải cam kết nếu chậm triển khai dự án hoặc xây dựng nhà cửa thì phải để người dân địa phương có nhu cầu buôn bán được thuê đất, xây dựng hàng quán đàng hoàng, theo đúng quy định; nếu có điều kiện hơn nữa thì có thể cho người dân có nhu cầu được vay vốn để kinh doanh, buôn bán.
Thiết nghĩ, với một thành phố có sự phát triển nhanh về hạ tầng, chỉnh trang và mở rộng đô thị, thu hút nhiều dự án đầu tư bất động sản và du lịch…, trách nhiệm về xử lý những vướng mắc, bất hợp lý trong quản lý đô thị cần tiếp tục được đặt ra lâu dài và căn cơ hơn, chứ không chỉ dừng lại ở việc đưa ra giải pháp xử lý vài lô đất trống ở trung tâm thành phố và đợi đến lúc giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND thành phố như hiện nay.
ANH QUÂN