.

Làm gì để thu hút khách nội địa?

Theo thống kê của ngành du lịch, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều có lượng du khách nội địa chiếm tỷ lệ tương ứng trong tổng số du khách đến hằng năm. Nhưng theo chúng tôi, Quảng Nam là một trong những địa phương đã có đánh giá đúng đắn về vai trò của nguồn du khách trong nước đối với sự phát triển du lịch-dịch vụ.

Ngay từ hơn 15 năm trước, sau khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tỉnh này đã tổ chức các lễ hội mang tên Hành trình di sản vào tháng 5 dương lịch. Đó là thời điểm “cuối vụ” của du khách Âu - Mỹ đến Việt Nam mỗi năm. “Hành trình di sản” kết nối các lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội cầu ngư, Đêm phố cổ, Một ngày làm cư dân phố cổ, lễ hội tổ nghề may... thành một chuỗi chương trình hấp dẫn du khách trong nước từ đó đến nay.

Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chính nhờ đánh giá tiềm năng phát triển nguồn du khách nội địa cũng như khả năng mua sắm của họ khi đi du lịch, nhất là các dịp lễ hội, chúng tôi đã có thể an tâm đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng các dịch vụ và hàng lưu niệm...”. Năm nào cũng vậy, lượng du khách đến Hội An, Mỹ Sơn trong dịp 30-4 và 1-5 đều đạt con số gần 5.000 lượt mỗi ngày, trong đó khách lưu trú ở đô thị cổ mỗi đêm lên đến gần 3.000 lượt. Đó là những con số mà cả những nhà kinh doanh du lịch không thể nào dự đoán trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Không chỉ Hội An, bất chấp thời tiết không thuận lợi, làn sóng du lịch trong nước đến Huế, Phong Nha, Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Cửa Lò... trong vài năm qua cũng chật ních khách đến từ các tỉnh, thành trong nước. Một người bán tạp hóa ở đường Trần Phú, Hội An nói: “Khách Tây ba lô đi đâu cũng cầm theo chai nước từ khách sạn, chứ người mình thì không vậy. Khát, họ vào quán, có khi uống vài chai bia ngay”. Một cô em của tôi là hiệu phó một trường tiểu học ở nông thôn Quảng Nam, tổ chức cả trường đi Phong Nha hai ngày bằng ô-tô trong Mồng 8 tháng 3 vừa qua, khi về, ngoài quà cáp cho gia đình, mỗi người còn mang theo 5-7 tấm ảnh chụp trong các hang động, giá mỗi tấm 10 ngàn đồng! Đây là thành phần mà thu nhập rõ ràng là còn thấp trong số du khách nội địa, ở nhà có khi sống khá chật vật, nhưng khi đã đi... thì cũng biết chơi lắm!

Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thừa Thiên-Huế, khách du lịch quốc tế trong những ngày đầu năm giảm nhẹ, thì khách nội lại tăng trên 60%. Nhờ những lễ hội văn hóa, lịch sử như lễ hội làng cổ Phước Tích, Làng Sình, Điện Hòn Chén..., Thừa Thiên-Huế đã tiếp tục góp phần thu hút nhiều du khách trong nước trong quý 1-2013.

Tại Đà Nẵng, đã có hàng vạn lượt khách du lịch nội địa đến chiêm ngưỡng pháo hoa quốc tế, trong khi chỉ khoảng vài ngàn người là khách quốc tế; hoặc những ngày diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm vừa qua, lượng du khách  nội địa đã tạo ra tình trạng “cháy phòng” khách sạn và bùng nổ các dịch vụ...

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện có khủng hoảng, xu hướng chung của du khách là chọn những tour gần (hoặc tour nội địa) để du lịch nhằm giảm các chi phí đi lại bằng máy bay đường dài. Cần nói thêm, trong chiều hướng đó, nếu tổ chức thật tốt các lễ hội đặc sắc liên quan đến tín ngưỡng, lịch sử và văn hóa vùng miền cùng các dịch vụ liên quan được nâng cao (như cách làm của Hội An, Huế, Đà Nẵng), chắc chắn du khách nội địa sẽ tiếp tục làm nguồn nuôi dưỡng ngành du lịch qua những thời điểm khó khăn. Ngược lại, nâng cao chất lượng các lễ hội và dịch vụ (trong đó có đào tạo lại hoặc bồi dưỡng kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện có) cũng là cách chuẩn bị cho phát triển du lịch theo hướng lâu dài và có căn cơ.

Thành phố Đà Nẵng đang đặt trọng tâm khuếch trương thương hiệu trong hoạt động du lịch, vì vậy không thể không có một chiến lược dài hơn đối với nguồn du khách nội. Chiến lược ấy, theo chúng tôi, không chỉ từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển (kể cả các hãng taxi) hay những cửa hàng bán đồ lưu niệm, mỹ nghệ ở chợ Hàn, ở làng nghề Non Nước mà cần một phương án tổ chức, liên kết giữa họ với nhau để chia sẻ lợi ích theo mô hình chuỗi giá trị, giảm đến mức tối đa (hoặc triệt tiêu) những hình ảnh “phản tiếp thị” như nói thách, nâng giá, chèo kéo, bảo kê…

Chiến lược thu hút du khách nội địa cũng cần chung tay tạo ra được các bản sắc đặc thù về văn hóa vùng miền của hàng lưu niệm, của các món ăn và cả phong cách phục vụ… mang thương hiệu Đà Nẵng. Muốn vậy, vai trò quản lý Nhà nước và các hoạt động hiệu quả hơn, cụ thể hơn của Hiệp hội Du lịch là hết sức quan trọng…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.