.

Lằn ranh có mong manh?

Thực hiện việc quản lý vỉa hè nhằm bảo đảm trật tự đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố tiến hành kẻ vạch vỉa hè, sắp xếp lại việc buôn bán, hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè công cộng làm tài sản riêng của mình.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải tại cuộc họp sơ kết quý 1 về bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị của thành phố tổ chức hôm qua (16-4), nổi lên một số địa phương như quận Hải Châu tiến hành kẻ vạch vỉa hè, sắp xếp việc buôn bán trên các tuyến đường trọng điểm Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, đầu phía tây cầu Rồng; quận Sơn Trà sắp xếp việc kinh doanh, buôn bán hàng rong, đậu đỗ xe các khu vực trọng điểm phía đông cầu Rồng, Công viên Biển Đông, đường Võ Nguyên Giáp; quận Thanh Khê kẻ vạch trên 32 tuyến đường với tổng chiều dài 32,4km từ nguồn ngân sách quận…

Phải thừa nhận rằng, sự vào cuộc quyết liệt và nhanh chóng của các địa phương đã đem lại kết quả ban đầu tương đối với hình ảnh một số tuyến đường, khu vực trọng điểm của thành phố thoáng đãng, sạch đẹp, gọn gàng hơn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thế nhưng, đó cũng chỉ là kết quả bước đầu và ở một số khu vực trọng điểm. Người dân có quyền đặt dấu hỏi về hiệu quả lâu dài của công tác này. Bởi thực ra, chuyện quản lý, bảo đảm trật tự vỉa hè không phải là câu chuyện mới và thành phố cũng đã nhiều lần thất bại trong lĩnh vực này. Việc kẻ vạch, phân làn cũng đã từng làm; việc phân cấp quản lý, kể cả thí điểm giao cho các hộ gia đình cùng chung tay quản lý vỉa hè cũng đã từng làm; việc xây dựng các khu vực cấm buôn bán hàng rong cũng đã từng làm… nhưng cũng nhiều lần thất bại.

Một kinh nghiệm thuộc hàng “kinh điển” cũng được cơ quan chức năng đúc kết và báo cáo trong hội nghị hôm qua, là “những địa phương triển khai tốt công tác tuyên truyền và kiên quyết trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thì mức độ lấn chiếm vỉa hè giảm,  bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị”. Nhưng báo cáo này cũng đánh giá: “Mặc dù UBND các quận đã thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và sử dụng trái quy định vẫn còn tiếp diễn”.

Nhìn vào đó, cũng đủ thấy rằng, việc quản lý trật tự vỉa hè vẫn luôn là một lằn ranh mong manh nếu không tổ chức thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp với đời sống đô thị và nhất là thường xuyên, kiên quyết trong kiểm tra, xử lý. Những vạch sơn kẻ trên vỉa hè ấy, nếu không mờ theo thời gian thì cũng bị những người buôn bán, sử dụng vỉa hè lấn từng chút một, từng chút một và xóa nhòa trong quá trình phát triển đô thị một cách ồ ạt, thiếu quản lý một cách chặt chẽ.

Chính vì vậy, trong quản lý trật tự đô thị, mà cụ thể là vỉa hè đô thị, đặc biệt phải quan tâm làm sao hình thành một ý thức về sử dụng vỉa hè theo hướng văn minh, tạo nên “lằn ranh” sâu đậm dần trong ý thức. Ý thức đó không chỉ của nhà quản lý từ thành phố đến địa phương mà phải dần dần ăn sâu vào ý thức của người dân, của chính người sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Trước hết, phải làm cho họ hiểu rằng vỉa hè đó không phải là mảnh đất của mình, hoặc là đất công vô chủ ai chiếm cũng được; phải làm cho họ nghĩ rằng vỉa hè đó có gọn gàng, sạch đẹp thì mình mới có điều kiện làm ăn, buôn bán đàng hoàng để thu nhập chính đáng. Dĩ nhiên, bài toán này rất khó bởi một số đông người buôn bán xem vỉa hè là “nồi cơm” của họ.

Vì vậy, quản lý vỉa hè, thí điểm hay làm thiệt, cũng phải có sự tính toán hợp tình hợp lý, không để những lằn ranh kẻ vạch trên vỉa hè hiện diện mang tính ước lệ, hình thức mà thôi.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.