.

Mạch nguồn dân tộc

Ai về Phú Thọ cùng ta/ Vui ngày Giỗ tổ tháng Ba mồng Mười. Cứ đến tháng 3 âm lịch hằng năm, câu ca dao xưa lại nhắc nhở những tâm hồn Việt hướng về cội nguồn dân tộc. Có thể Đền Hùng Phú Thọ quá xa về không gian và các đời Vua Hùng lại còn thăm thẳm xa hơn về thời gian nhưng mọi khoảng cách không hề tồn tại khi đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” lưu chuyển nghìn đời trong văn hóa tâm linh của con dân Việt.

Từ xa xưa, các triều đại phong kiến nước ta đã quản lý Đền Hùng bằng cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, tổ chức Giỗ tổ vào mồng 10-3 âm lịch. Triều đình đã làm yên lòng những người này bằng cách miễn cho họ thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. Bản ngọc phả viết thời Trần, được chép lại vào năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và năm 1601 đời vua Lê Kính Tông, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương trong Khu di tích Đền Hùng có đoạn nhắc đến truyền thống cao đẹp này: “Từ Nhà Triệu, Nhà Đinh, Nhà Lê, Nhà Lý, Nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói...”.

Mồng 10-3 năm Bính Tuất (1946), năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm báu lên Vua Hùng, kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần về thăm Đền Hùng cũng đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nối tiếp truyền thống này, mới đây, đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa đã ra quần đảo Trường Sa tiến hành lễ dâng, đặt đất, nước, chân hương và trống đồng cung thỉnh từ Đền Hùng về, thể hiện tâm nguyện của gần 90 triệu con dân Việt trong việc khẳng định vững chắc trước sau như một chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc.

Giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của nước ta. Từ năm 2007, ngày lễ này đã được Chính phủ quy định là ngày nghỉ hằng năm. Mới đây, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.

Trên cả nước hiện có gần 1.500 nơi thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng; trong đó, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 181 di tích thờ Hùng Vương. Ở Đà Nẵng, tên vị vua đầu tiên của đất nước đã được đặt cho con đường sầm uất nhất ngay trung tâm thành phố. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương cũng là ngày hội “Uống nước nhớ nguồn” của 4 đình làng trên địa bàn Đà Nẵng: Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) và Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu).

Ngày này, các hoạt động cổ truyền như hát tuồng, hô bài chòi, thi giã gạo, thi nấu cơm... đan xen với loại hình hiện đại như đồng diễn thể dục dưỡng sinh, chạy việt dã… đã khuấy động không khí hội hè ở các hội làng. Tháng Ba nô nức hội đền/ Nhớ ngày Giỗ tổ bốn nghìn năm nay. Người dân Đà Nẵng tuy không ra được Phú Thọ để dự hội Đền Hùng, nhưng có thể hòa mình vào các lễ hội trong mồng 10-3 này để cảm nhận mạch nguồn dân tộc vẫn lưu chuyển suốt bốn nghìn năm qua và nhiều nghìn năm sau nữa…

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.