.

Nâng tầm đô thị

Thành phố Đà Nẵng vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đánh dấu một bước phát triển mới, một tầm vóc mới để trở thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Trước sự kiện này, ngày 18-3-2014, trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phát triển Đà Nẵng và nhấn mạnh, bộ mặt đô thị của thành phố được quy hoạch, quản lý tốt, thành phố phát triển nhanh, toàn diện, được cả nước thừa nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

17 năm qua, trong công tác quản lý đô thị, quy hoạch là thành tựu quan trọng của Đà Nẵng. Theo đó, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 1.340 đồ án quy hoạch với diện tích 24.000ha; phê duyệt địa điểm đầu tư xây dựng có diện tích 900ha. Ranh giới đô thị được mở rộng theo hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông” hướng đến các vùng nông thôn và miền núi khi không gian đô thị đã được mở rộng gấp 3 lần so với năm 1997.

Đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc chỉnh trang, phát triển đô thị ở Đà Nẵng là sự quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố. Việc thực hiện quy hoạch tuân thủ theo đúng quy hoạch chung, các định hướng lớn được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình nghiên cứu để thực hiện các quy hoạch chi tiết. Theo đánh giá của các chuyên gia, Đà Nẵng trong những năm qua đã chứng minh sự đúng đắn, tính hoàn chỉnh thực tiễn của quy hoạch chung; quy hoạch đô thị Đà Nẵng luôn xác định tầm nhìn, gắn kết giữa các đối tượng, các thành phần trong quy hoạch.

Đà Nẵng hiện đang theo đuổi nhiều mục tiêu để phát triển như xây dựng thành phố môi trường, thành phố phát triển bền vững, thành phố đáng sống, thành phố có hàm lượng carbon thấp… Các mục tiêu theo đuổi này của Đà Nẵng được một số tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tham gia tư vấn hỗ trợ để thực hiện.

Trong xu thế phát triển hiện nay và những kinh nghiệm có được trong quá trình đi lên, thành phố Đà Nẵng có cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố. Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không thay đổi tính chất đô thị; phát triển quy mô dân số từ 2 triệu đến 2,5 triệu dân, sẽ xếp sau thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và ngang với thành phố Hải Phòng, sớm gia nhập vào hàng ngũ các thành phố trung bình và lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Về tổ chức cơ cấu phát triển không gian được làm rõ trong quy hoạch các khu phát triển theo hình thức kiến trúc và quy mô đa dạng, linh hoạt theo các điều kiện tự nhiên.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt là bước đi tiếp theo và nghiên cứu bổ sung vấn đề bảo tồn di sản (kiến trúc và thiên nhiên) nhưng vẫn bảo đảm phải phát huy giá trị di sản để làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, song các thế hệ sau vẫn có thể tự hào về những giá trị di sản do cha ông để lại. Với cách tiếp cận này, quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng coi trọng tính thực tế, chủ động làm rõ các khu phát triển theo hình thức kiến trúc và quy mô đa dạng, linh hoạt theo các điều kiện tự nhiên...

Về kiến trúc công trình, Đà Nẵng là thành phố trẻ, mới phát triển, số lượng công trình có quy mô lớn trong đô thị tuy không nhiều nhưng cũng thể hiện được những hiệu quả nhất định về xu hướng phát triển kiến trúc cho thành phố. Phong cách kiến trúc hiện đại kết hợp với ngôn ngữ tạo hình đơn giản đang trở thành một xu hướng tích cực. Quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng đang tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu về bố cục không gian trong đó kết nối hệ thống giao thông đô thị với giao thông vùng miền Trung và quốc gia. Lộ trình và kế hoạch đặt ra cho chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng đi theo hướng hiện đại hóa nhưng phải bảo đảm mục tiêu thành phố thân thiện với môi trường và là thành phố lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho định hướng phát triển.

NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.