.

Nền tảng để "cất cánh"

Một trong những kiến nghị được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc mới đây là đề xuất mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng từ 4 triệu lượt khách/năm lên 6 triệu lượt khách/năm. Đề nghị này được Thủ tướng đồng ý và chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tích cực phối hợp, hỗ trợ để triển khai dự án trong thời gian đến.

Đây là thông tin đáng mừng, tạo sự phấn khởi sau khi thành phố bắt tay thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Trên thực tế, mở rộng sân bay là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh Đà Nẵng bắt đầu một chặng đường phát triển mới.

Có 3 lý do chính đáng để Đà Nẵng cần thiết phải mở rộng sân bay. Thứ nhất, năm 2013, sân bay Đà Nẵng đã đón hơn 4,5 lượt khách và bắt đầu có dấu hiệu quá tải cục bộ. Nhiều đường bay mới ở các châu lục được xúc tiến kết nối trực tiếp và tăng chuyến đến Đà Nẵng làm tăng áp lực về sức chứa của nhà ga. Cùng với đó, lượng hàng hóa, du khách và tổ chức, cá nhân đến thành phố qua đường hàng không ngày càng tăng, bởi phát triển ngành du lịch là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển của Đà Nẵng. Nếu như năm 2012, Đà Nẵng thu hút hơn 2,6 triệu lượt du khách thì năm 2013, Đà Nẵng thu hút 3,1 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt gần 7.800 tỷ đồng. Riêng trong quý 1-2014, du lịch của Đà Nẵng tăng trưởng 38,5% so với cùng kỳ, doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.

Thứ hai, các hoạt động thương mại, xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng được đẩy mạnh đã kích thích tăng trưởng vận tải đường hàng không đến Đà Nẵng. Đến cuối năm 2013, ngoài 13.960 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đạt 67.633 tỷ đồng, thành phố thu hút 285 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 3,32 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,8 tỷ USD. Doanh thu xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong đó có phần tham gia vận chuyển của đường không qua sân bay Đà Nẵng. Việc phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố của lễ hội, sự kiện, hội thảo… mang tầm quốc gia và quốc tế cũng khiến cho vận tải đường không tăng cao trong thời gian đến.

Thứ ba, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng không chỉ giải quyết nhu cầu cho riêng thành phố mà khẳng định vai trò của thành phố động lực kết nối các đầu mối giao thông đường biển, đường bộ, đường không của cả khu vực, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung bộ. Song song với việc khai thông hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, mở rộng quốc lộ 1A và xây dựng đường cao tốc  Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp cảng Tiên Sa… một khi sân bay quốc tế Đà Nẵng với công suất 6 triệu lượt khách/năm đưa vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu giao thương, đi lại và du lịch người dân nhiều tỉnh trong khu vực vùng kinh tế duyên hải miền Trung, góp phần kết nối khu vực với cả nước và nhiều nước trên thế giới.  

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2030, dân số Đà Nẵng ở mức 2,5 triệu người. Do vậy, dự án mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng, nâng cấp cảng Tiên Sa và cả việc triển khai thực hiện dự án tàu điện ngầm là 3 trong số những dự án phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch, cần được thực hiện sớm. Vấn đề còn lại là công tác phối hợp, triển khai thực hiện các dự án này sao cho hiệu quả, thiết thực và đồng bộ, thực sự tạo sức bật mới, làm đòn bẩy để Đà Nẵng cất cánh bay cao.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.