Ngày 8-4, “đơn” đặt hàng đầu tiên của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố từ đầu năm 2014 đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thực hiện bằng việc tổ chức hội nghị phản biện chuyên sâu về phương án thiết kế cầu đi bộ qua sông Hàn.
Hội nghị phản biện diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ. Các đại biểu tự do trình bày quan điểm, chính kiến của mình đối với phương án kiến trúc cầu đi bộ qua sông Hàn về tính cần thiết, hiệu quả kinh tế, thẩm mỹ, kỹ thuật... theo đề dẫn của Ban tổ chức. Có những ý kiến tương đồng quan điểm về một nội dung phản biện nào đó nhưng cũng có ý kiến hoàn toàn khác nhau nhưng đều mang một tâm huyết đóng góp cho thành phố. Nên hay không nên xây cầu đi bộ qua sông Hàn. Nếu xây thì khi nào. Thiết kế kỹ thuật, mỹ thuật, công năng, hình thức đầu tư như thế nào và nhiều vấn đề khác được phản biện, giải thích, kiến nghị dưới con mắt chuyên môn sâu của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn.
Có đại biểu đặt vấn đề, về việc xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn, nếu như nói đã có chủ trương rồi, cứ thế mà làm thì không tốt. Nếu nói đằng sau chủ trương này chỉ có lợi ích của nhà đầu tư cũng không chính xác. Cần phải phát huy trí tuệ xã hội trong tham vấn, phản biện đối với chủ trương này.
Đồng ý hay không đồng ý đều phải khách quan và lấy mục tiêu vì lợi ích chung của người dân, vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng làm điểm tương đồng để phản biện. Trách nhiệm của người phản biện là rất lớn. Mỗi ý kiến của người phản biện đều liên quan đến chủ trương này về tính đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng đông đảo người dân, sự phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển của thành phố.
Giám sát và phản biện xã hội không phải chức năng mới của Mặt trận. Mới ở đây là lần đầu tiên có cơ chế cụ thể rõ ràng cho việc này. Đó là Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội ban hành vào ngày 12-12-2013. Thành ủy và Mặt trận thành phố Đà Nẵng đã sớm chủ động đưa quy định này đi vào cuộc sống. Chủ động đặt hàng Mặt trận phản biện dự thảo các chủ trương của mình cho thấy Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố thực sự cầu thị để có sự kết nối từ văn bản chủ trương đến cuộc sống. Lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh để có được sự đồng thuận cao trong xã hội từ khi có chủ trương đến khi tổ chức thực hiện.
Hội nghị phản biện phương án cầu đi bộ qua sông Hàn, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận trong công tác tham gia hoạch định chủ trương, chính sách của thành phố. Từ thành công ban đầu đang đặt ra nhiệm vụ cho Mặt trận thành phố phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện. Làm sao để việc lấy ý kiến của Mặt trận phải trở thành một việc tất yếu phải có trong hoạch định chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền. Mặt trận phải xây dựng được “thương hiệu” trong hoạt động này. Đồng thời phải cảnh giác, tránh để phản biện xã hội giảm sút về chất lượng, rơi vào hình thức, trở thành thủ tục thừa không cần thiết.
ĐAN LÊ