.

Từ chất lượng đại học

Mới đây, khi trao đổi bàn tròn trực tuyến trên trang hocthenao.vn, GS Ngô Bảo Châu nhận định rằng: “Sách giáo khoa không phải là vấn đề nổi cộm nhất của giáo dục Việt Nam. Chất lượng giáo dục đại học có lẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn”.

Trong khi đó, trả lời báo chí về “máy phát hiện nói dối” của Bộ GD-ĐT đối với việc kê khai giảng viên của các trường ĐH trên toàn quốc, PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Tổng hợp cơ sở dữ liệu hiện có của Bộ GD-ĐT thì trong 242 cơ sở ĐH có gần 76.000 giảng viên, trong đó có khoảng 3.900 TSKH, PGS, GS, hơn 9.000 TS, hơn 38.000 thạc sĩ, số còn lại là giảng viên trình độ ĐH. Nhưng như đã nói, trong số này bộ đã phát hiện có những trường hợp giảng viên trùng tên ở nhiều trường ĐH. Như vậy, từ cơ sở dữ liệu này đã lộ ra một số lượng TS, PGS, GS “ảo”.

Trên cơ sở đó, có thể khẳng định rằng, chất lượng giáo dục ĐH là vấn đề cần bàn đến và tập trung giải quyết trong quá trình đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là đổi mới hệ thống và chương trình giáo dục đại học sư phạm. Bởi, cái nôi của giáo dục là từ trường sư phạm - nhưng hệ thống này thực ra còn nhiều vấn đề.

Theo một nghiên cứu được công bố mới đây do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đề tài, cả nước hiện có trên 100 cơ sở đào tạo giáo viên trong tình trạng phân tán, thiếu tính liên thông và quy hoạch tổng thể. Việc mở trường đại học sư phạm quá dễ, tỉnh nào cũng có để “đáp ứng nhu cầu về giáo viên cho tỉnh nhà” mà không có sự kiểm soát cả về số lượng và chất lượng đã phá vỡ quy hoạch về đào tạo nhân lực cho giáo dục và làm giảm sút chất lượng giáo viên sau đào tạo. Trong khi đó, ngành GD-ĐT là nơi có thể dễ dàng kiểm soát chặt chẽ “đầu vào” và “đầu ra”, bởi nhân lực của ngành này không bị chi phối nhiều do tác động của xã hội mà nằm trong tầm tay của bộ. Ví dụ, từ khảo sát và quy hoạch GD-ĐT cả nước, sẽ dễ dàng nắm được nhu cầu nhân lực giáo dục ở từng địa phương, từng vùng và trên cả nước, từ đó áp dụng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm. Hay một việc khác là quy hoạch lại mạng lưới đào tạo giáo viên trong hệ thống cấp quốc gia; chỉ nên gói gọn lại một số trường sư phạm tại các khu vực trọng điểm, đào tạo nhân lực cho cả khu vực; vừa bảo đảm chất lượng vừa kiểm soát được số lượng, đáp ứng định hướng quy hoạch.

Một vấn đề cần bàn đến nữa, đó là chương trình đào tạo sư phạm. Đã đến lúc, cần đào tạo kỹ năng cho giáo viên tương lai nhiều hơn là đào tạo kiến thức; trong đó có kỹ năng sư phạm, kỹ năng tự đào tạo, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi…, nhất là trong điều kiện sách giáo khoa và chương trình giảng dạy thay đổi xoành xoạch như hiện nay. Có một thực tế, bên cạnh số giáo viên ra trường thất nghiệp vì dôi dư, thì số giáo viên khác không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy do thiếu năng lực và kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm…; một số giáo viên không trang bị được kỹ năng tự đào tạo theo tinh thần học tập suốt đời. Vì vậy, mới có chuyện trong số 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lý giải là trong đó có khoản kinh phí dành cho “đào tạo lại” giáo viên.

Lo cho chất lượng đại học, thì càng lo hơn cho chất lượng đào tạo đại học sư phạm - cái nôi của đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.