Bắt đầu hôm nay (1-4), lực lượng thanh tra giao thông các tỉnh, thành trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân xử lý vấn nạn xe quá tải trên các tuyến quốc lộ. Trước đó, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước dứt khoát không cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các xe cơi nới thùng xe.
Để “nói không” với vấn nạn dai dẳng xe quá tải, Tổng cục Đường bộ cũng đã trang bị cho thanh tra giao thông vận tải 63 tỉnh, thành cân điện tử lưu động, nhằm xử lý “nóng” ngay trên đường chứ không phải gửi xe đi cân nhờ các doanh nghiệp như trước đây.
Như vậy, chủ trương đã có, phương tiện đã có và đặc biệt là tất cả 63/63 tỉnh, thành trên cả nước cùng ra quân, Bộ GTVT kỳ vọng xe quá tải sẽ hết đường chạy và chỉ còn cách duy nhất là giảm tải về đúng mức tải trọng cho phép để được hoạt động. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn hoài nghi mục tiêu này, bởi họ cho rằng cách làm này cũng mới giải quyết phần ngọn nên khó có thể thành công.
Thực tế trong thời gian qua, trước tình hình TNGT ngày càng nghiêm trọng, Bộ GTVT, Bộ Công an và chính quyền địa phương đã vào cuộc bằng cách xử lý nghiêm với vấn nạn xe quá tải tung hoành trên đường. Thế nhưng kết quả thì ai cũng biết là “đầu voi đuôi chuột”. Tức là tất cả đều chung kịch bản: lúc đầu ra quân rầm rộ, xử lý hàng loạt xe quá tải, nhưng càng về sau càng đuối và cuối cùng kết thúc trong im lặng. Nguyên nhân, theo giải thích của chính các doanh nghiệp vận tải, với bối cảnh kinh tế-xã hội như hiện nay, chỉ có cách là chở quả tải rồi chấp nhận nộp phạt hoặc là “đắp chiếu” phương tiện. Dĩ nhiên phương án “đắp chiếu” phương tiện không doanh nghiệp nào chọn, mà tất cả đều chọn giải pháp chở quá tải và... nộp phạt.
Tại một cuộc họp mới đây giữa Sở GTVT thành phố Đà Nẵng với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, một giám đốc doanh nghiệp vận tải khẳng định chắc nịch rằng “100% xe tải hiện nay là chở quá tải”. Lý giải điều này, vị giám đốc này dẫn ra ví dụ: Hiện nay, vận chuyển một tấn hàng từ Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh trung bình 500.000 đồng, với mức giá này thì các doanh nghiệp chỉ vừa đủ trả tiền xăng và công tài xế. Điều này cũng có nghĩa cầm chắc lỗ vì chưa có khoản cho khấu hao phương tiện, thuế và rất nhiều chi phí khác. Câu hỏi đặt ra, tại sao không thể nâng trần giá cước vận tải lên để không phải chịu cảnh vừa hoạt động, vừa... nộp phạt, tất cả các doanh nghiệp đều chung cầu trả lời “không thể”. Đơn giản, nếu nâng giá cước lên thì sẽ không khách hàng nào của các doanh nghiệp vận tải chấp nhận. Vì bản thân các nhà sản xuất cũng không thể trả cao hơn, vì như vậy là tăng chi phí đầu vào, đồng nghĩa với việc giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trở lại vấn đề này với tình hình ở Đà Nẵng cũng có thể hiểu được câu chuyện này. Hồi giữa năm 2013, lực lượng thanh tra giao thông thành phố được trang bị 2 chiếc cân điện tử để triển khai công tác kiểm tra tải trọng trên đường. Và kết quả là chỉ xử lý được không nhiều xe tải nhỏ... thiếu thông tin, còn lại các doanh nghiệp lớn, nhất là các đơn vị chuyên nhận vận chuyển đất san lấp các công trình đều “án binh bất động”. Thậm chí, để đối phó với lực lượng chức năng nhiều doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang hoạt động vào ban đêm, hoặc là vừa chạy vừa quan sát khi thấy cân tải trọng xe thì tấp vào lề để... chờ. Giải thích về “khổ nhục kế” này, nhiều doanh nghiệp tâm sự: Chẳng ai thích làm việc kiểu chui nhủi như vậy, nhưng với mức sàn giá cước hiện nay trung bình 50.000 đồng cho một mét khối đất đá vận chuyển ở cự ly dưới 10km, nếu chở đúng tải trọng là vừa đúng tiền xăng dầu thôi. Còn tăng giá lên thì không ai hợp đồng, vậy nên chỉ còn cách vừa chạy vừa... nộp phạt. Thực tế trên đường lực lượng CSGT cũng đau đầu với kiểu vừa chạy vừa nộp phạt như vậy. Rất nhiều xe tải khi bị CSGT tuýt còi xử lý lỗi chở quá tải, tài xế lại trình ra cả xấp biên bản xử phạt lỗi này từ các địa phương khác rồi.
Rõ ràng, việc xử phạt quá tải không chỉ đơn giản là xử lý lỗi cố tình chở quá tải, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác mang tính bắc cầu lẫn nhau giữa ngành sản xuất với dịch vụ vận tải hàng hóa. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào những chiếc cân điện tử thì khó có thể hy vọng thành công, mà ở đây cần có sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, và sự nỗ lực của các doanh nghiệp để làm sao tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng được giá cước hợp lý. Để từ đó doanh nghiệp chở vừa đủ tải là đã có lãi, chứ không phải là lãi đến từ khối lượng hàng hóa vượt tải kia. Đó mới là cách giải quyết mang tính lâu dài và ổn định.
THANH SƠN