Những ngày gần đây, dư luận chung trong nước nóng lên, mỗi lòng người dân Việt của chúng ta cũng đang nóng lên. Trung Quốc đã ngang ngược bất chấp tất cả, thông qua hoạt động của một doanh nghiệp kinh tế là Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc, đưa giàn khoan vào vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tiếng là một đơn vị kinh tế nhưng đã có sự hỗ trợ của máy bay, tàu lớn, trong đó có cả tàu quân sự. Làn sóng phẫn nộ đã dấy lên mạnh mẽ từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền núi, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, có cả dư luận của cư dân mạng trong lòng đất nước Trung Hoa. Những câu thơ nóng bỏng của nhà thơ Chế Lan Viên trong những ngày sục sôi chiến đấu năm xưa lại hiện về trong chúng ta: Hãy cứ đo bể ta bằng luật điều quốc tế / Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý / Nhưng chớ đo lòng căm giận chúng ta… (“Sao, chiến thắng”, 1964).
Đúng! Lòng căm giận và sự phẫn nộ của chúng ta những ngày này không ai có thể đo đếm được. Những hành động phản ứng chính đáng bước đầu đã diễn ra kịp thời. Tiếng nói chung là cực lực phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền của một quốc gia có chủ quyền. Còn hơn cả cực lực phản đối, mà đó là sự phẫn nộ của lương tri. Thế giới chuyển sang thế kỷ XXI với bao khát vọng hòa bình và hành động bảo vệ giữ gìn hòa bình, không thể nghĩ còn có những hành động thô lỗ, bất lương, bất chấp lại có thể diễn ra từ một quốc gia đông dân, có vị trí quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, nhất là vai trò ủy viên thường trực Liên Hiệp Quốc.
Khổng Tử, nhà triết học cổ đại Trung Quốc là người đã đề ra hình mẫu của người quân tử với nhiều tiêu chuẩn tốt đẹp và nghiêm ngặt, và ông từng mong nơi xứ sở của ông phải là “vương quốc của người quân tử”. Tuy nhiên, thế hệ hậu duệ của ông đã không tu nhân tích đức làm theo cái đức, cái chí, cái lễ của người quân tử. Trong thế giới phẳng, thế giới hiện đại ngày nay, không có gì có thể che giấu nhân loại, kể cả ý đồ lẫn hành động thực tế. Vậy mà trước vụ việc đưa một giàn khoan cồng kềnh vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam kèm theo hàng chục tàu các loại, máy bay hộ vệ lại được những người đại diện của phía Trung Quốc chối quanh, che giấu khi trả lời phóng viên trong các cuộc họp báo, ngược lại, họ còn trắng trợn vu khống tàu Việt Nam bao vây tàu Trung Quốc, chất vấn lại thì họ không đưa ra được bằng chứng.
Những ngày tháng năm lịch sử này, lòng chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, Bác đã nói lên tình cảm, ý chí của toàn dân tộc rằng chúng ta luôn mong muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì đối phương càng lấn tới. Tình thế những ngày này hình như đang diễn ra đúng như vậy. Chúng ta vẫn đang thực sự kiềm chế, chúng ta vẫn kiên trì đề nghị đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và những nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông, thực chất là cách ứng xử văn minh của các dân tộc, các quốc gia với nhau trên tầm cao văn minh trong thế giới hiện đại. Trong khi đó, hằng ngày, tại thời điểm những ngày này, ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 vẫn có máy bay, tàu lớn quần đảo hộ vệ, và tàu thuyền của chúng ta vẫn bị phun vòi rồng, súng nước, bà con ngư dân Quảng Ngãi vẫn bị tàu lớn uy hiếp, phá ngư lưới cụ, cướp hải sản và xâm hại con người theo cách hành xử của những thế kỷ trước.
Lại nhớ đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô năm 1946 dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng khi Cụ được giao trọng trách quyền Chủ tịch nước, rằng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến của dân tộc ta đó là lòng yêu hòa bình, thái độ khoan dung, tinh thần hòa hiếu thực lòng với các quốc gia lân bang và đi liền theo đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Còn cái vạn biến thì còn tùy thuộc vào thái độ và cách hành xử của đối phương. Và lịch sử Việt Nam đã có biết bao những bài học về việc vận dụng cái bất biến và cái vạn biến đó!
NẠI HIÊN