.

Biển Đông dậy sóng

.

Nghiên cứu lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, những người làm khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến mọi động thái của Trung Quốc và ghi nhận rằng trong quá trình thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần làm dậy sóng Biển Đông: thừa cơ lúc tranh tối tranh sáng sau Hiệp định Genève 1954 để chiếm nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956, dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa vào năm 1988, và vào đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc lại một lần nữa làm Biển Đông dậy sóng: ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải dương - 981 cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc còn rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương, trong đó có các kiểm ngư viên của Chi đội Kiểm ngư 3 thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng 2 đóng trụ sở tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Có thể nói đây là bước leo thang mới hết sức nguy hiểm, bất chấp đạo lý và pháp lý của Trung Quốc, ngang ngược xâm phạm chủ quyền thiêng liêng và hiển nhiên không thể tranh cãi của Tổ quốc ta.

Cùng với đồng bào cả nước, những người làm khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng hết sức bất bình và căm phẫn trước hành động bành trướng -cũng có thể gọi là hành động xâm lược - của nhà cầm quyền Trung Nam Hải, rất xa lạ với tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng và làm tổn thương đến nhân dân Việt Nam, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp auốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

Hội Khoa học Lịch sử thành phố yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đồng thời bày tỏ sự đồng tình với bài phát biểu vào sáng ngày 11 tháng 5 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar), trong đó người đứng đầu Chính phủ ta nêu rõ: “Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Song, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.” Mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ở đây không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc, cũng như đem Trung Quốc ra kiện trước Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) vì Trung Quốc mới gây tổn hại cho phía Việt Nam trong những ngày qua, cũng như  gây thương vong khi cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực đầu năm 1974…

Một lần nữa, với tinh thần yêu nước và chính nghĩa, chúng ta kiên quyết phản đối hành động xâm lấn của phía Trung quốc và yêu cầu phía Trung quốc phải rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

BÙI VĂN TIẾNG

(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.