.

Cần một nghị quyết về Biển Đông

Ngay từ phiên khai mạc, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (QH) khóa XIII đã thu hút sự chú ý của cử tri cả nước về vấn đề chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Mang theo tâm nguyện của cử tri đến kỳ họp, khi trao đổi ngoài hành lang với báo chí, nhiều đại biểu đã đề nghị QH cần phải ra nghị quyết tỏ rõ quan điểm về tình hình Biển Đông.

Còn nhớ phản ứng trước hành động Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, trong đó có quần đảo Trường Sa (đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa), Hoàng Sa (đơn vị hành chính của Đà Nẵng) và công khai đấu thầu 9 lô dầu khí trên vùng biển của Việt Nam, tại kỳ họp thứ 4 (ngày 3 và 4-7-2012), HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII đã đưa vào nghị quyết của kỳ họp nội dung phản đối việc làm sai trái, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu QH trước kỳ họp thứ 7, cử tri Đà Nẵng đã có đề nghị QH cần ra tuyên bố hoặc nghị quyết về vấn đề Biển Đông.

Các đại biểu QH đem đến kỳ họp này nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri nhưng trong đó có vấn đề chung nhất là chủ quyền thiêng liêng của quốc gia đang bị xâm phạm. Do vậy, kỳ họp có không khí như một “Hội nghị Diên Hồng” mà cử tri cả nước mong mỏi QH sẽ tỏ thái độ, quan điểm bằng một nghị quyết hoặc một tuyên bố về tình hình Biển Đông. Đây cũng là một biện pháp đấu tranh của chúng ta thông qua kênh ngoại giao nhân dân; qua đó làm cho nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới nhận rõ hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam là bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp mối quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Việt-Trung, đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Nghị quyết/tuyên bố của QH sẽ khẳng định cho cả thế giới biết Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và nhất quyết không nhân nhượng về chủ quyền Tổ quốc.

Trong tình hình Biển Đông dậy sóng, sự gây hấn của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày càng phức tạp, với chức năng là cơ quan giám sát tối cao, QH càng phải giám sát chặt chẽ. Cử tri mong muốn tại kỳ họp này, QH sẽ tập trung cao trí tuệ để có những sách lược đấu tranh hiệu quả buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Đó là sách lược phát huy truyền thống mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự kết hợp tổng lực các mặt trận đấu tranh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế vì sự chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh này.

Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, các quyết sách tổng hợp của QH cần phải làm cho đất nước nhanh chóng thoát khỏi khó khăn, bứt phá phát triển về kinh tế-xã hội để tạo điều kiện nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo đảm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, phát triển kinh tế biển cần có cơ chế đặc thù cho Biển Đông để lực lượng ngư dân lớn mạnh với nhiều tàu sắt công suất lớn bám biển làm ăn, khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

Trong tình hình hiện tại, càng nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong thế nước ngàn cân treo sợi tóc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Vận dụng cho hôm nay, QH sẽ có những sách lược và giải pháp hiện tại và lâu dài để đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trước âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc với quan điểm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Hoàng Anh

;
.
.
.
.
.