Chủ trương mua đất nền thương mại từ các dự án bất động sản (BĐS) do doanh nghiệp (DN) đầu tư, nhận tiền đất ở tái định cư (TĐC) với giá trị tương đương của lãnh đạo thành phố được nhiều hộ thuộc diện giải tỏa tái định cư quan tâm và bày tỏ sự đồng tình.
Nhận được thông tin này, một người dân ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ có đất ở giải tỏa làm đường giao thông cho biết: Gia đình anh được bố trí đất ở TĐC nhưng thực sự không có nhu cầu vì đã tự sắp xếp được nơi ở mới. Cùng trường hợp giải tỏa của anh còn có hàng trăm hộ gia đình khác. Với phương án triển khai dự án, quận Cẩm Lệ đã đầu tư dự án TĐC ven tuyến đường Hòa Thọ - Hòa Nhơn. Tuy nhiên, đã qua 6 tháng hoàn thiện hạ tầng, khu TĐC vẫn đìu hiu, không một mái nhà được xây lên. Nhiều hộ nhận đất TĐC đang tìm cách bán lại suất đất và người mua chủ yếu cũng để đầu tư BĐS. Nếu ở dự án này, hộ giải tỏa được nhận tiền hỗ trợ tương ứng nền đất TĐC giao dịch theo thị trường sẽ không xảy ra tình trạng nợ đất ở TĐC và vừa khỏi tốn tiền đầu tư.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, các dự án TĐC luôn vượt dự toán đầu tư ban đầu. Để bố trí TĐC cho các hộ giải tỏa tại điểm A lại phải tiếp tục di dời sang điểm B và tiếp tục thực hiện công tác giải tỏa đền bù. Trong thời gian thi công dự án TĐC kéo dài, thành phố phát sinh chi phí hỗ trợ thuê nhà ở tạm cho hộ giải tỏa… Ông Sơn tính toán nếu đầu tư một dự án TĐC mới hiện nay chi phí sẽ cao hơn nhiều so với việc mua lại nguồn quỹ đất nền thương mại từ các dự án do DN đầu tư.
Ở góc độ khác, tình trạng quy hoạch các khu tái định cư dịch chuyển về khu vực nông thôn làm phá vỡ cấu trúc cảnh quan. Việc xây dựng nhà ở liền kề, nhà ống, nhà cao tầng trong các khu tái định cư mới vùng nông thôn trở nên xa lạ với nhu cầu thực tế về nơi ở của người dân sau giải tỏa. Theo phản ánh của hộ giải tỏa ở khu vực vùng ven, vùng nông thôn khi hộ giải tỏa tự lo đất ở mới sau giải tỏa, thành phố cần có sự hỗ trợ về chính sách ưu tiên cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang đất ở mà vị trí đất ở phù hợp với quy hoạch phát triển khu dân cư. Nơi ở mới của người dân có được sân vườn, khoảnh đất trồng rau xanh.
Từ thực tiễn về tình hình giải quyết đất ở TĐC, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã có chủ trương để hộ giải tỏa được chọn 3 phương án lựa chọn sau đền bù giải tỏa: tự lo đất ở sau giải tỏa và nhận hỗ trợ giá trị nền đất TĐC tương ứng thị trường; hoặc chọn đất TĐC ở các dự án đất ở thương mại của DN đầu tư; hoặc cam kết chờ nhận đất TĐC do thành phố đầu tư đến thời điểm có đất thực tế và không giải quyết hỗ trợ thuê nhà.
Đây thực sự là giải pháp tổng thể, hợp lý trong giai đoạn hiện nay cho bài toán đền bù giải tỏa và TĐC, giảm nhanh về áp lực tạo quỹ đất tái định cư, hộ giải tỏa sớm có đất ở; DN tiêu thụ sản phẩm BĐS tồn đọng trên thị trường.
Được biết, việc khai thác quỹ đất thương mại từ DN để bố trí TĐC đã được UBND thành phố triển khai. Tại dự án Khu đô thị Phước Lý thuộc địa bàn các quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ, thành phố đã khai thác được 300 nền đất thương mại sang bố trí hộ đất TĐC, xóa được một dự án quy hoạch khu TĐC trong khu vực. Hộ đang chờ đất TĐC phấn khởi nhưng hộ giải tỏa ở dự án TĐC nay chuyển sang chỉnh trang ổn định nơi ở cũng vui mừng. Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Lê Hoàng Đức cho biết sau khi chuyển 400 nền đất thương mại ở dự án Khu đô thị Phú Mỹ An sang đất TĐC, hộ giải tỏa ào ạt giao đất, công tác giải phóng mặt bằng trở nên thuận lợi.
Cái khó của việc triển khai giải pháp này là phương thức tiếp cận định giá đất, định mức hỗ trợ chênh lệch giá trị chuyển quyền sử dụng đất và chịu tác động khách quan do biến động giá BĐS trên thị trường. Do đó cần thiết phải chọn đúng khu vực dự án để triển khai, cân đối được nguồn dự toán đầu tư từ ngân sách.
TRIỆU TÙNG