.

Hai nguyên tắc tối thượng

Trước đây, thường khi Trung Quốc gây hấn, hiếp đáp ngư dân Việt, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, chúng ta đều được nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố… Việt Nam đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam… Chúng ta luôn lắng nghe và có cảm tưởng mình nói mình nghe.

Trong lúc ấy quan hệ Việt-Trung vẫn diễn ra ở mọi cấp, kể cả cấp cao nhất, mọi lĩnh vực và nhiều địa phương, và ai cũng biết cả hai bên đều nói đến “16 chữ vàng”, “4 tốt” như những nguyên tắc được đúc kết thành tư tưởng chỉ đạo.

Trong một bối cảnh nhất định, chúng ta có thể cho là họ chừng nào chân thành, thiện chí và chúng ta nghiêm túc thực hiện cam kết.

Nhưng chúng ta đâu có là một bên đơn phương bị ràng buộc.

Chính sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cùng với cả trăm tàu các loại; trong đó có nhiều tàu chiến và cả máy bay, làm nhiệm vụ hộ tống… đã làm rõ hơn bao giờ hết mưu đồ của họ.

Thử thách này đòi hỏi chúng ta phải kiên định những nguyên lý tối thượng trong xử lý những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, đến quan hệ hai nước.

Trước hết và quan trọng nhất là chúng ta luôn xem thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Dù đã có “16 chữ vàng” (hay 160 chữ) và “4 tốt” (hay 40 tốt) thì trước hết phải nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật.

Sự thật là, Trung Quốc đã và đang thực hiện mưu đồ xâm lấn, họ liên tục xâm phạm ngày càng nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, họ đã cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, một số đảo của Trường Sa năm 1988, với đường lưỡi bò, họ đang mưu chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông, Dù họ nói “16 chữ vàng”, “4 tốt” và những điều hoa mỹ hơn thì sự thật của họ vẫn là mưu đoạt như vậy.

Chúng ta rất quý trọng tình hữu nghị Việt-Trung, nhưng chúng ta quyết không bị mê hoặc, lừa mị bởi những lời dối trá.

Thứ hai, khi bàn về quan hệ hai nước, quan hệ giữa nước ta và các nước, chúng ta luôn nhớ một nguyên tắc tối thượng. Bác Hồ đã dạy “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Dân tộc ta đã chiến đấu hy sinh, chống Pháp, chống Mỹ suốt mấy chục năm mới có cơ đồ ngày nay. Và chúng ta luôn nhớ còn đó Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm… Còn đó giàn khoan Hải Dương - 981 như một lưỡi dao thọc vào lồng ngực Tổ quốc.

Chính vì thế, chúng ta hoàn toàn tán đồng lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Manila (Philippines): “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó”.

Tuyên bố rõ ràng, thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải tỏa dư luận cho rằng vì Việt Nam với Trung Quốc là hai nước có cùng ý thức hệ, cùng chế độ chính trị, nên Việt Nam dễ bị kiềm tỏa đến đông cứng trong “16 chữ vàng”, trong “4 tốt”.

Không, nhất quyết không phải là như vậy.

Đứng vững trên mảnh đất thực tiễn, luôn nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và luôn giữ trong tim mình ngọn lửa yêu nước rực cháy, là tư thế, tâm thế của chúng ta.

Với tư thế, tâm thế ấy, chúng ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển của Tổ quốc.

Nguyễn Đình An

;
.
.
.
.
.