.

Hoan nghênh Hải Châu

Như vậy giai đoạn 1 thí điểm của “chiến dịch” lập lại trật tự lề đường của quận Hải Châu cơ bản đạt được mục tiêu như mong đợi.

Nếu hôm nay đi trên các con đường Bạch Đằng, Trần Phú và Nguyễn Văn Linh, những tuyến đường chính của thành phố, mọi người đều dễ dàng nhận thấy sự thông thoáng, thuận tiện và nhất là thấy được các tuyến phố ngăn nắp, văn minh hơn. Lề đường được trả lại cho người đi bộ, người dân và nhất là du khách thêm một sự ngạc nhiên thú vị về thành phố năng động này. Xin cảm ơn những con đường thông thoáng.

Chuyện vỉa hè và quản lý vỉa hè đã không dưới một lần đặt ra cho thành phố trước đây, sau khi dư luận bức xúc về tình trạng chiếm dụng ngang nhiên lề đường để kinh doanh. Nhìn thấy nhà bên cạnh lấn ra đặt tủ bán hàng, nhà mình cũng tự nhiên theo đó tràn ra. Cuối cùng thành phố gần như không còn vỉa hè. Đã có những trường hợp chỉ vì tránh đống vật liệu xây dựng mà phải bị tai nạn chết người hoặc thương tật suốt đời. Tuy nhiên, các biện pháp lập lại trật tự vỉa hè trước đây nhanh chóng rơi vào bế tắc. Sự lộn xộn vẫn trở lại lộn xộn và hình như càng trở nên bế tắc hơn. Hình như chúng ta bất lực trước tình trạng lấn chiếm kinh niên. Nguyên nhân chính là thiếu các biện pháp đồng bộ và năng lực tổ chức, thực hiện chưa sát với thực tế.

Có thể xem kết quả với 3 tuyến đường là kinh nghiệm tốt để triển khai bước tiếp theo ở phạm vi rộng hơn trên địa bàn quận. Chuyện quản lý vỉa hè mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song khi triển khai mới thấy hết sự phức tạp, nhiêu khê. Qua hơn một tháng triển khai với thành công bước đầu có thể rút ra mấy kinh nghiệm: Trước hết phải xác định đúng tầm quan trọng và hiểu đúng tính phức tạp của vần đề, phải có phương án cụ thể và sự kiên trì tổ chức cần thiết. Ví dụ, việc kẻ vạch, tùy theo chiều rộng của lề đường mà có sự phân chia hợp lý. Theo đó phần phía nhà ở phải có chiều ngang tối thiểu để được chiếc xe máy, phải có chỗ cho những hàng rong nhằm bảo đảm đời sống của người lao động, quy định việc chiếm dụng bao nhiêu m2 là bị xử phạt với số tiền cụ thể...

Có thể việc kẻ vạch bằng vôi là không mỹ quan và có vẻ tạm thời, nhưng không có lựa chọn nào khác khi việc lát gạch màu hoặc sơn màu quá tốn kém. Một biện pháp có tính quyết định là tuyên truyền. Làm sao cho tất cả các tổ và hộ dân cư đều được thông báo, mọi người hiểu, cùng chia sẻ và ủng hộ chủ trương của quận. Ai đó nói rất đúng rằng, muốn có trật tự trên lề đường, trước hết mỗi người dân phải tự giác kẻ một vạch trong đầu. Ý thức tôn trọng cộng đồng phải được xác lập. Trên thực tế nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì sẽ thất bại.

Dĩ nhiên còn rất nhiều việc phải làm. Việc kẻ vạch bằng vôi liệu sau một mùa mưa nắng sẽ phai đi hết, khi ấy làm sao bảo đảm lằn ranh chỉ giới dành cho người đi bộ? Có những tuyến đường mà lề đường quá hẹp thì quy định như thế nào? Tình trạng mỗi cửa hàng, ngoài tấm biển tên treo trên cao, còn kèm theo một tấm đặt ngang lề đường gây mất mỹ quan và cản trở giao thông nhiều nhất. Rất tiếc việc này chưa được quan tâm đúng mức. Cần phải dẹp bỏ những tấm biển này. Việc tuần tra và thẩm quyền xử phạt cần được quy định thống nhất.  

Kinh nghiệm Hải Châu cho thấy việc lập lại trật tự lề đường không phải là việc không thể không làm được. Bài học của Hải Châu cho phép áp dụng cho các địa phương khác. Thành phố cần thống nhất chủ trương triển khai trên diện rộng. Tất cả để cho một thành phố ngăn nắp, sạch, tôn trọng không gian cho người đi bộ… Trong hơn 15 năm qua, bằng công sức của nhân dân và cán bộ, chúng ta đã xây dựng một thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Việc bảo đảm mỗi tuyến đường đều có lề đường thông thoáng, điều này thể hiện một tầm ứng xử văn minh của người dân Đà Nẵng, hãy làm cho thành phố này thật sự là nơi chưa đi đà nhớ, trước hết bắt đầu từ những con đường.

NGHỊ VĂN

;
.
.
.
.
.