.

Kỳ vọng cửa ngõ phía Nam

.

Còn nhớ, từ sáng sớm ngày 29-3-2000, hàng vạn người dân thành phố và du khách đã đứng kín dọc bờ sông Hàn để được tận mắt lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cây cầu... quay. Và rồi tất cả mọi người đã đồng loạt vỗ tay hoan hô khi thấy cầu Sông Hàn từ từ quay để chính thức hợp long cây cầu, đồng thời cũng đánh dấu một “kỷ nguyên” tiến về bờ Đông của thành phố.

Quả đúng như vậy, sau cầu Sông Hàn, thành phố liên tiếp xây dựng thêm những cây cầu to đẹp, hiện đại bắc qua dòng sông Hàn như cầu dây võng Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... Tất cả đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo con sông Hàn và còn hơn thế nữa, chính những nhịp cầu này đã trở thành cú “kích cầu” tuyệt vời để biến cả bờ Đông nghèo khó bao đời bên sông Hàn thức giấc. Giờ đây thì vùng đất “quận 3” nghèo khó ngày nào đã trở thành một đô thị ven biển với thế mạnh dịch vụ - du lịch và phát triển mạnh mẽ.

Tròn 14 năm sau, cũng vào một ngày đáng nhớ là kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2014), người dân thành phố lại đón thêm niềm vui mới là tuyến đường vành đai phía Nam chính thức được đưa vào sử dụng. Và như cầu Sông Hàn ngày nào, tuyến đường này được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để đánh thức gần 30.000ha đất hoang hóa phía Nam thành phố chuyển mình thức giấc như câu chuyện làng chài Sơn Trà ngày nào. Cùng với trước đó một năm thành phố cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đại lộ Võ Chí Công, vì vậy nhiều người đã ví von tuyến đường vành đai phía Nam này như là nét vẽ khớp nối cuối của thành phố trong việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố về cả 4 hướng Đông, Tây, Nam và Bắc.

Quả thật, có đến với vùng đất cửa ngõ phía Nam những ngày này mới thấy hết ý nghĩa và vị thế của tuyến đường này. Ngày trước người dân Hòa Vang muốn đến “người hàng xóm” của mình là quận Ngũ Hành Sơn thì phải  chạy ngược vô ngã tư Tứ Câu của Quảng Nam, còn không thì phải vòng vèo qua 3 quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Sơn Trà mới đến được. Cách trở là như thế, vì vậy cũng dễ hiểu cả vùng đất giáp ranh của hai địa phương này như là “người xa lạ” không thể liên kết làm ăn gì. Đất đai thì rộng bạt ngàn nhưng bao đời với sức vóc của mình, người nông dân chỉ làm 1-2 vụ lúa còn lại để hoang hóa. Vì thế cũng dễ hiểu người dân khu vực này tiếng là cách trung tâm thành phố vài cây số đường chim bay, nhưng vẫn là vùng đất “nhà quê” với cái nghèo cái khó bám riết nhiều đời.

Thế nhưng, giờ đây giao thông đã được thông suốt, tạo nên chiếc đòn bẩy cho kinh tế khu vực này phát triển. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể ước lượng có đến 1/3 diện tích đất ở cửa ngõ phía Nam này đã được “đánh thức” từ vài năm nay và kết quả là những khu nghỉ mát cao cấp mang tầm châu lục và quốc tế xuất hiện ngày một nhiều. Song hành đó là hàng chục dự án trường đại học và cao đẳng với quy mô lớn đã và đang đi vào hoạt động, góp phần không nhỏ định hình nên một đô thị du lịch và đào tạo lớn của khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, với ý tưởng biến vùng đất phía Nam này trở thành khu đô thị xanh thân thiện môi trường nên các nhà kiến trúc đã luôn cố gắng đến mức cao nhất để lại những vùng đầm lầy, ao hồ... và chỉ “dặm” vào đó những thảm cây xanh xen lẫn trong các khu dân cư, thì có thể nói đô thị phía Nam này của thành phố còn là khu nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn với những người thu nhập trung bình trở lên.

Điều này được thể hiện khá rõ ở các khu dân cư dọc theo các tuyến đường vành đai phía Nam. Ngoài hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, thì cây xanh gần như là “đặc sản” được chăm chút khá kỹ tại nơi đây. Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đánh giá, không nghi ngờ gì nữa, với những gì hiện có và đang được hoàn thiện, thì trong vài năm đến, khi tuyến đường cao tốc đầu tiên của miền Trung là Đà Nẵng-Quảng Ngãi đưa vào khai thác, và tương lai xa hơn một chút là đường cao tốc Đà Nẵng-Huế đưa vào sử dụng thì vùng đất phía Nam của Đà Nẵng sẽ là vị trí “dừng chân” tuyệt vời của các nhà đầu tư trên lĩnh vực khách sạn, du lịch, đào tạo và kể cả dịch vụ vận tải...

Cửa ngõ phía Nam chuyển mình thức giấc với kỳ vọng sẽ là một khu đô thị đáng sống của thành phố Đà Nẵng luôn biết tạo cú hích từ chủ trương “giao thông đi trước một bước”.

THANH SƠN
 

;
.
.
.
.
.