.

Ngư dân làm ăn và giữ biển

Báo chí trong nước đưa tin, ngày 22 và 24-5, 2 tàu cá lớn nhất miền Trung, có cùng công suất 1.150 CV, được đầu tư gần 10 tỷ đồng và do ông Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) làm chủ, được hạ thủy.

Tiếp đó, ngày 25-5, con tàu “khủng” nhất của ông Lê Văn Xương (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cũng được hạ thủy, gia nhập đội tàu cá công suất lớn của ngư dân miền Trung ra khơi bám biển. Trong tháng 5 này, riêng ở Đà Nẵng đã có 4 tàu công suất lớn hạ thủy và sẽ ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa những ngày tới đây.

Các chính sách ưu đãi, khuyến khích ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ của Đảng, Nhà nước ta đã thật sự tạo chuyển biến tốt trong nghề cá. Ở thành phố Đà Nẵng, mức hỗ trợ đóng tàu mới có công suất từ 400 CV trở lên là 400-800 triệu đồng. Trong hai năm đầu thực hiện (2012, 2013) đã có 11 tàu được đóng mới với mức hỗ trợ 5,5 tỷ đồng. Năm 2014, thành phố tiếp tục hỗ trợ đóng mới 10 phương tiện có công suất lớn, từ 400 CV trở lên.

Những thông tin đó làm nức lòng con dân Việt yêu nước. Bởi trong tình hình Biển Đông hiện nay, sự có mặt của đông đảo ngư dân đã trở thành lực lượng quan trọng, góp phần chống lại âm mưu bao chiếm Biển Đông của Trung Quốc  khi họ mang giàn khoan Hải Dương-981 với sự hộ tống của hàng trăm tàu các loại và máy bay bảo vệ, hạ đặt trái phép sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Sự ngang ngược, hung hăng của các lực lượng chấp pháp, kể cả lực lượng quân sự Trung Quốc, không làm cho ngư dân run sợ, chùn bước mà ngược lại, đã gắn kết ngư dân thành một khối thống nhất, kiên cường bám biển đánh bắt hải sản; vừa tạo của cải làm giàu cho mình, cho đất nước, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài những căn cứ về pháp lý, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì sự hiện diện của ngư dân Việt, những công dân Việt từ hàng ngàn đời nay là những bằng chứng cụ thể để chứng minh điều đó.

Nghề cá là nghề mưu sinh đầy rủỉ ro, bất trắc. Bao đời nay ngư dân phải dấn thân vào hiểm nguy để kiếm kế sinh nhai. Hiện họ phải mang thêm một trọng trách nữa, đó là sứ mệnh của một “người lính” bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Một đất nước chiến tranh liên miên, để chống chọi với kẻ thù xâm lược hùng mạnh thì không gì khác hơn phải huy động sức lực, trí lực của toàn dân tộc.

Chính sách “ngụ binh ư nông” suốt cả ngàn năm giữ nước đến xây dựng quân đội nhân dân hiện nay đã tạo được sức mạnh vô địch khi phải đương đầu với quân xâm lược ngoại bang. Khi chiến sự xảy ra thì người dân cầm súng, khi hòa bình thì người lính về với ruộng đồng, vườn tược, về với nghề lưới chài, sông biển. Truyền thống đó của ngư dân Việt đã hiển hiện sinh động trong gần suốt cả tháng 5- 2014 này. 

“Biển của ta, ta phải giữ”! Chân lý giản dị đó là niềm tin, là sức mạnh kết tinh từ hàng nghìn năm bám biển của ngư dân Việt. Khắp các tỉnh duyên hải miền Trung, nơi nào cũng rộn ràng không khí ra khơi bám biển, vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có nhà báo nhận xét rất hay, những ngày biển “động”, suốt một dải duyên hải miền Trung, làng chài yên ắng vì ngư dân ra biển lớn.

Ở Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, các tàu cá cập bến vài ngày là vội vã ra khơi ngay. Mùa vụ đang hối thúc họ, Tổ quốc đang hối thúc họ. Những ngư phủ thân dài, vai rộng, ăn sóng nói gió sẵn sàng vươn khơi bất chấp hiểm nguy, cần mẫn làm việc mà không biết mệt. Ở Đà Nẵng, giữa tháng 5 vừa qua, hàng trăm ngư dân làm lễ biểu dương lực lượng, cổ vũ cho đội tàu công suất lớn xuất bến thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa. Ở Thừa Thiên-Huế, ngư dân ra khơi với lá cờ Tổ quốc được thay mới, và các thuyền viên đều mang áo hình cờ Tổ quốc. Ở huyện đảo Lý Sơn, trong âu thuyền đỏ rực một màu cờ Tổ quốc.

Tất cả các tàu cá dù bị phía Trung Quốc tấn công vẫn không hề run sợ. Họ vẫn háo hức ra khơi, bởi đó là nguồn sống của họ và cao hơn, dòng máu Việt luôn chảy trong tim của họ với tâm nguyện Tổ quốc là trên hết.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.