.

Quyết không đánh đổi

“Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014 (ngày 21 và 22-5), một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đanh thép trước hành động bất chấp lịch sử, bất chấp luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử hàng ngàn năm chống giặc phương Bắc đô hộ, triền miên hơn một trăm năm chống ách thực dân và hai đế quốc hùng mạnh trên thế giới. Qua bao cuộc chiến khốc liệt, hơn ai hết dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ cái giá của độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình ổn định. Có hòa bình ổn định mới có phát triển.

Với truyền thống “lấy chí nhân mà thay cường bạo”, dân tộc Việt Nam luôn giữ tinh thần hòa hiếu với láng giềng, ngay cả sau khi bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia khỏi sự xâm lược của họ. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định của thế giới bằng chủ trương “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,  hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam không tham gia liên minh quân sự nào để chống quốc gia khác. Việt Nam đã cùng Trung Quốc xây dựng một mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trên tinh thần “16 chữ vàng”, “4 tốt” và cụ thể hóa thành nhiều văn kiện mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã ký kết.

Nhưng với hành động đem giàn khoan Hải Dương-981 cùng tàu thuyền xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc dường như đang đi ngược lại tinh thần đó. Những gì Trung Quốc đang làm khác xa với những gì họ nói. Gần đây, một vị lãnh đạo nước này có phát biểu tại một tổ chức đối ngoại nhân dân của Trung Quốc rằng: “Trong máu của người Trung Quốc không có gen xâm lược”(?!) Vậy việc mà họ đang làm đối với Việt Nam cũng như những hành động yêu sách chủ quyền vô lý với những nước khác trước đó là hành động gì? Những việc họ làm không chỉ đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định mà còn làm tổn thương mối quan hệ hữu nghị của nhân dân Trung Quốc với nhân dân các nước trong khu vực. Điều này chứng tỏ sự trỗi dậy với khẩu hiệu trỗi dậy hòa bình nhưng chỉ là nói, còn sự thật lại khác.

Tư tưởng, chủ nghĩa đại Hán, sự cuồng vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc chưa bao giờ tắt. Nó được che đậy bằng ngôn từ hòa bình, hợp tác, bằng sự giảo hoạt được đằng chân sẽ lân đằng đầu. Những gì Trung Quốc đang làm cho thấy cộng đồng quốc tế không thể tin những gì họ nói mà hãy dè chừng những gì họ đã, đang và sẽ làm để có đối sách.

Với lịch sử hàng ngàn năm chống giặc phương Bắc, Việt Nam ta thiện chí, chân thành trong quan hệ nhưng không hề mơ hồ, mù quáng, chủ quan. Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm. Chúng ta quyết không bao giờ đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia để lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông nào đó. Lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lay động lòng yêu nước, đã khơi dậy tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Myanmar và Philippines là thông điệp rõ ràng, công khai trước toàn thế giới rằng: Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng không để bất cứ quốc gia nào uy hiếp, xâm phạm từng tấc đất, từng mét nước biển của mình. Việt Nam không khiêu khích, không gây hấn nhưng có quyền tự bảo vệ bằng tất cả những gì mình có.

Hoàng Anh

;
.
.
.
.
.