.

Rất cần một ngày tôn vinh văn hóa đọc

Ngày 21-4 vừa qua chính thức trở thành Ngày sách Việt Nam trong sự chào đón của hàng triệu bạn đọc yêu sách trong cả nước. Vậy là Việt Nam đã có thêm một ngày để hàng triệu người tôn vinh văn hóa đọc - con đường ngắn và quan trọng hàng đầu để đến với tri thức.

Trước đó, khi chưa có Ngày sách Việt Nam, ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã có những Ngày hội sách được tổ chức quy mô, thu hút hàng trăm đơn vị tham gia, giới thiệu hàng vạn tựa sách đến với đông đảo bạn đọc.

Ai đã từng tham gia Ngày hội sách ở thành phố Hồ Chí Minh mới có thể thấy hết được đây thực sự là “đại tiệc” dành cho người yêu sách. Thong dong trong Công viên Lê Văn Tám, ghé thăm từng gian hàng giới thiệu sách của các doanh nghiệp, các nhà xuất bản khác nhau, bất cứ ai đam mê văn hóa đọc đều không thể vội vàng lướt qua mà phải dừng chân, lặng im ngắm nhìn những bìa sách được in ấn, thiết kế công phu, đầy sáng tạo; tận tay cầm những quyển sách mới còn thơm mùi mực, mân mê lật giở từng trang giấy để khám phá “phần hồn” của mỗi cuốn sách… Đến đấy mới thấy, niềm đam mê đọc sách vẫn còn hiện hữu ở mọi lứa tuổi khác nhau, từ những cụ ông tóc bạc phơ cho đến những em nhỏ mới chập chững bước chân vào trường tiểu học. Họ đến tham quan ngày hội với niềm yêu thích xen lẫn sự hứng khởi khi bắt gặp những tựa sách mình muốn tìm đọc, và khi ra về lại lâng lâng niềm vui vì được mua sách với giá “khuyến mãi” rẻ hơn so với giá bìa… Sự đa dạng của các thể loại sách cùng nội dung chương trình ngày hội với nhiều hoạt động thú vị… càng khiến nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh cứ mỗi năm lại trông chờ đến Ngày hội sách để đắm mình trong không gian ngập tràn tri thức như vậy.

Đà Nẵng có Ngày hội sách như ở thành phố Hồ Chí Minh chưa? Đã có. Nhưng thực ra, quy mô nhỏ, không gây được tiếng vang và chưa thực sự trở thành một ngày hội, thu hút đông đảo người đến tham gia như ở Ngày hội sách thành phố Hồ Chí Minh. CLB Cán bộ trẻ thành phố từng tổ chức Ngày hội đọc sách ở Bảo tàng điêu khắc Chăm vào năm 2013, hay một số trường học, doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức ngày hội sách hoặc phối hợp cùng tác giả giới thiệu một vài tác phẩm nào đó “mới ra lò”… Những hoạt động này đa phần được tổ chức trong phạm vi nhỏ, chưa quy tụ được đông đảo các doanh nghiệp, nhà xuất bản tham gia, và chưa tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng những người yêu sách ở Đà Nẵng.

Ngẫm lại từ mô hình Ngày hội sách tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, có thể khẳng định Đà Nẵng hoàn toàn đủ khả năng triển khai một hoạt động quy mô và tầm cỡ như vậy. Đà Nẵng không thiếu những không gian rộng rãi, thoáng đãng, đủ để bày hàng trăm gian hàng sách. Hàng vạn trí thức, học sinh, sinh viên, người đam mê văn hóa đọc ở Đà Nẵng cũng luôn sẵn sàng đón nhận, hưởng ứng nếu có một ngày hội như thế ngay tại phố biển hiền hòa này. Và hẳn nhiên, còn gì thú vị hơn khi được trực tiếp giao lưu, đàm đạo với các tác giả nổi tiếng, được đắm mình trong không gian tri thức phong phú và thỏa mãn niềm đam mê khám phá tất tần tật các thể loại sách từ thơ, tiểu thuyết, cho đến những sách nghiên cứu, sách khoa học, kỹ thuật… Hằng năm, Đà Nẵng đều tổ chức những hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao với quy mô và uy tín ngày càng lớn. Vậy, tại sao không tổ chức một ngày hội sách với quy mô và tầm cỡ lớn như vậy để nhắc nhở mỗi người: Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là giá trị của sự vươn tới.

Trên thực tế, tổ chức Ngày hội sách để tôn vinh văn hóa đọc là một chuyện, nhưng đồng thời, đây cũng là cơ hội để mọi người chú trọng hơn vào việc bồi đắp, làm giàu vốn tri thức cho bản thân. Chẳng phải Đà Nẵng đang rất cần một đội ngũ nhân lực cao, có tri thức, đam mê nghiên cứu, khám phá sao? Mà tri thức đó có xa xôi gì, chúng nằm trong tầm tay của mỗi người, gói gọn trong mỗi cuốn sách chúng ta đọc hằng ngày. Ngày hội sách chắc chắn sẽ góp phần nuôi dưỡng văn hóa đọc của mỗi người, để rồi tự bản thân biết cách ứng xử tốt hơn, hiểu rõ hơn các giá trị, chuẩn mực của cuộc sống, nắm bắt được những tri thức khoa học hữu ích của nhân loại và dùng những tri thức, kỹ năng đọc được để cải thiện, tạo dựng cho mình một cuộc sống lành mạnh và đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của xã hội.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.