.

Sống để yêu thương

Thành phố Đà Nẵng kỷ niệm ngày Chữ thập đỏ quốc tế năm nay bằng một việc làm rất thiết thực: biểu dương, tôn vinh những tấm lòng vì địa chỉ nhân đạo. Cuộc vận động này được triển khai trong 5 năm qua và đến nay thật sự trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống xã hội; trở thành một nếp sống, một ý thức sống của cộng đồng “thương người như thể thương thân”.

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” thực sự trở thành phong trào rộng khắp với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Hơn bao giờ hết, đạo lý “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” được thể hiện rõ nét như những năm gần đây, những năm mà tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.

Dẫn ra đây một vài con số: qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, Đà Nẵng đã giúp đỡ được 13.725 địa chỉ nhân đạo với kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Riêng năm 2013, toàn thành phố đã vận động được 1.534 tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 9,5 tỷ đồng, hỗ trợ 4.100 địa chỉ nhân đạo, vượt 36,6% mức kế hoạch. Những địa chỉ được giúp đỡ là cụ thể, thiết thực. Đối với người già neo đơn, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiền, gạo hằng tháng. Những hộ nghèo được hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế, hỗ trợ bò sinh sản giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.

Những địa chỉ nhân đạo cũng rất quan tâm tiếp sức cho học sinh nghèo và học sinh có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn tiếp tục được cắp sách đến trường. Hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho thanh, thiếu niên khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam với chương trình phù hợp, giúp các em có việc làm và thu nhập. Cuộc vận động cũng đã quan tâm hỗ trợ tiền khám điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nghèo và hỗ trợ dụng cụ y tế, xe lắc, sổ tiết kiệm cho 331 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng.

Kết quả này cho thấy, mục tiêu, nội dung thiết thực của cuộc vận động đã thức tỉnh được lòng dân nên thực sự đi vào cuộc sống. Qua cuộc vận động đầy ý nghĩa nhân văn này, mới thấm thía sự đúc kết của ông cha ta: “Rằng qua cơn lận đận, ta mới tận lòng nhau”.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chất lượng cuộc sống hiện nay dù có bước tiến rất xa so với những thập niên mới đây thôi, nhưng không có nghĩa mọi người ai cũng hạnh phúc. Còn nhiều, rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh, nhiều mảnh đời khốn khó đang từng ngày từng giờ vật lộn với nghèo nàn, bệnh tật, với cái ăn, cái mặc, sự đi lại… Điều đáng ghi nhận là không khí chan đầy yêu thương, đùm bọc đang ở bên họ, từng ngày, từng giờ. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và nhân dân thành phố đã làm những cảnh đời bất hạnh, không may mắn bớt đi mặc cảm về hoàn cảnh. Sự thương yêu, đùm bọc đó làm những người bất hạnh nhận thấy, dù hoàn cảnh nào, dù nghèo đến đâu, thì họ vẫn luôn được tôn trọng, luôn được sẻ chia.

Những giá trị vật chất đã giúp họ vượt qua bệnh tật, vượt qua sự ngặt của cuộc sống. Nhưng cao hơn, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” mang một thông điệp mà những người được giúp đỡ cảm nhận được, đó là tình thương yêu giữa con người với con người, cảm thông những hoàn cảnh éo le, những phận người không may mắn, khiến họ hiểu biết, chia sẻ đồng cảm và thương yêu nhau nhiều hơn.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.