60 năm đã trôi qua kể từ ngày kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, các thế hệ nhân dân Việt Nam vẫn luôn hướng đến và tự hào về chiến thắng lịch sử oai hùng đó, và dư luận thế giới cũng không ngớt lời ca ngợi Việt Nam khi nhắc đến chiến công này.
Rất nhiều phân tích được đưa ra nhằm giải thích nguồn gốc dẫn đến thắng lợi thần kỳ của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, mà tựu trung là bốn nguyên nhân cơ bản: Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh của Đảng Cộng sản Việt Nam đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh lịch sử của đất nước; lực lượng vũ trang với nòng cốt quân chủ lực trưởng thành vượt bậc về tư tưởng, chính trị, tổ chức, chỉ huy, đội ngũ, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và hậu cần; sức mạnh đoàn kết và tinh thần yêu nước của toàn dân được phát huy cao độ; các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hết lòng viện trợ, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam.
Dưới góc độ tổng kết nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh, những nhân tố nói trên là hoàn toàn xác đáng; nhưng để nói đến thắng lợi của một chiến dịch cụ thể như Điện Biên Phủ, đó là sự vận dụng có hiệu quả sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, ý chí và tri thức của dân tộc.
Xét về tổng thể, dù rơi vào thế bị động nhưng binh lực của Pháp ở Đông Dương vẫn mạnh hơn hẳn so với Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đã chủ động tạo được ưu thế về lực lượng trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ bằng việc điều động hầu hết quân chủ lực với 5 đại đoàn, cùng nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại (các loại pháo 105mm, 75mm, 37mm; các loại cối 120mm, 82mm; ĐKZ 75; hỏa tiễn H6). Nhờ thế, quân số tham chiến của chúng ta là 55.000 người (gấp 3,3 lần của Pháp), pháo các loại 166 khẩu (gấp 3,1 lần của Pháp), nên dù Pháp có một phi đội máy bay 14 chiếc, thì so sánh binh lực vẫn yếu thế hơn, sức mạnh vật chất vẫn kém hơn chúng ta ở đây.
Mặt khác, để khắc phục khó khăn về hậu cần, kỹ thuật cho bộ đội tác chiến do chiến dịch diễn ra ở địa bàn rừng núi, giao thông trắc trở, dân cư thưa thớt, kinh tế thấp kém; ý chí yêu nước chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc được khơi dậy bằng sự hăng hái đóng góp vật chất và tham gia phục vụ đông đảo của nhân dân nhiều miền, trực tiếp là 62.000 dân công làm đường và hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn phương tiện chiến tranh được vận chuyển tới mặt trận. Sự có mặt các loại trọng pháo hỏa lực tối cần thiết và hệ thống giao thông hào chằng chịt siết chặt lòng chảo Điện Biên Phủ cũng được làm nên bởi ý chí sắt đá và nghị lực phi thường của hàng chục nghìn chiến sĩ tham chiến.
Không chỉ có được sức mạnh vật chất vượt trội và ý chí, nghị lực phi thường của gần 12 vạn chiến sĩ, dân công trực tiếp tham gia, Chiến dịch Điện Biên Phủ lại được dẫn dắt bởi bộ phận lãnh đạo có tri thức khoa học ở trình độ cao về chiến lược, sách lược, chiến thuật quân sự, mà tiêu biểu là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Trong bối cảnh Pháp âm mưu tập trung binh lực hòng bình định những vùng đất tạm chiếm, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh, đánh chiếm một số vùng tự do ở đồng bằng Bắc Bộ, giành thắng lợi quyết định về quân sự trước quân chủ lực của Việt Nam để chiếm ưu thế khi đàm phán kết thúc chiến tranh; Trung ương Đảng đã đề ra phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” nhằm phá thế tập trung binh lực của địch, chủ động đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên nhiều địa bàn làm cho địch lâm vào thế bị động phân tán đối phó, buộc chúng hình thành 5 điểm tập trung binh lực trên toàn Đông Dương, trong đó có Điện Biên Phủ.
Trước thế bị động chiến lược, Pháp quyết định điều lực lượng lớn xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh ở Điện Biên Phủ, với mục đích thu hút và “nghiền nát” lực lượng chủ lực của Việt Nam. Biết rõ đây là cái bẫy của đối phương, nhưng Trung ương Đảng cho rằng đó cũng là thời cơ cho phép tập trung binh lực, hỏa lực để thực hiện trận quyết chiến chiến lược, tiêu diệt lớn quân địch nhằm đi đến kết thúc chiến tranh. Chính vì vậy, phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã được đặt ra ngay từ đầu. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị có những trục trặc như kéo pháo vào trận địa bị chậm, địch lại đã xây dựng, củng cố Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm vững chắc, rất khó đánh nhanh, nên Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Sự thay đổi chủ trương kịp thời của chúng ta đã giúp cho công tác chuẩn bị chiến đấu được kỹ càng hơn, giảm được nhiều thương vong cho chiến sĩ khi cách đánh thay đổi, và hiệu quả chiến thuật cuối cùng thu được cao hơn.
Như thế, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước là kết quả của sự tập trung tối đa binh lực và vũ khí chiến tranh hiện đại để tạo được ưu thế vật chất vượt trội trước kẻ thù, khơi dậy được ý chí và nghị lực phi thường của toàn dân tộc mà trực tiếp là gần 12 vạn chiến sĩ và dân công đi chiến dịch, phát huy cao độ tri thức khoa học quân sự uyên bác đã được nâng lên thành nghệ thuật quân sự xuất chúng của Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Rõ ràng Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của thời đại Hồ Chí Minh - của tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp!
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN