.

Báo chí là tai, là mắt của lãnh đạo thành phố

Tại cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam được tổ chức sáng 18-6, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá rất cao vai trò của báo chí đối với sự phát triển của Đà Nẵng.

Đồng chí nói rằng, lãnh đạo thành phố đã, đang và sẽ xem báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng và kịp thời nhất. “Báo chí là tai mắt của lãnh đạo thành phố. Nhiều phóng viên tâm huyết không chỉ thông tin sự kiện trên mặt báo mà còn trực tiếp tham gia, phản ánh, góp ý chân thành với lãnh đạo những vấn đề nhạy cảm. Chúng tôi luôn lắng nghe và trân trọng”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói.

Nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố mà chúng tôi có điều kiện gặp gỡ, nói chuyện, được họ cho biết, công việc đầu tiên hằng ngày là đọc báo để nắm thông tin trong nước, thế giới và đặc biệt là thông tin liên quan đến địa phương để chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.

Sự đánh giá cao giá trị thông tin báo chí của lãnh đạo thành phố là nguồn động viên lớn đối với các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn và các nhà báo. Điều đó càng khẳng định báo chí luôn đồng hành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Báo chí đã phản ánh nhịp sống sôi động hằng ngày của Đà Nẵng một cách khách quan với tinh thần trách nhiệm cao; không tô hồng, không một chiều, không bôi đen một cách cực đoan các sự kiện xảy ra trên địa bàn, mang đến cho bạn đọc thông tin về tình hình thành phố một cách trung thực, nhanh chóng, chính xác.

Bên cạnh những hoạt động sôi động về quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch, những cách làm hay, sáng tạo, nhiều bài báo cũng kịp thời phán ánh những điểm đen về tai nạn giao thông, những khu đất quy hoạch treo, những bãi rác hôi hám giữa lòng thành phố hay những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, những vụ việc điển hình “làm nghèo đất nước”, những vấn đề thành phố làm chưa tốt… Tất cả phản ánh này đều được lãnh đạo thành phố ghi nhận, đánh giá cao giá trị thông tin và có sự chỉ đạo kiểm tra, khắc phục kịp thời đối với thông tin mà báo nêu. Chúng tôi được xem một số bản tổng hợp chỉ đạo của thành phố đối với thông tin từ báo chí do Văn phòng HĐND phát hành đã khẳng định tinh thần cầu thị của lãnh đạo thành phố trong việc tiếp nhận thông tin của báo chí, dù đó là thông tin khen ngợi hay bài phê bình, chỉ ra những yếu kém trong lãnh đạo điều hành.

Dù chưa phải là vùng đất ngồn ngộn sự kiện như hai đầu đất nước (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) nhưng Đà Nẵng đang là mảnh đất màu mỡ cho báo chí sinh sôi. Ngoài các cơ quan báo chí địa phương, việc có gần 90 cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện hay cơ quan thường trú cho thấy sức hút đó. Đồng thời, điều đó cũng cho thấy vai trò và tác động của báo chí đối với công cuộc phát triển của thành phố là rất lớn.

Tuy vậy, trong một môi trường lành mạnh và thuận lợi cho hoạt động báo chí, đông đảo nhà báo tác nghiệp vì danh dự, đạo đức nghề nghiệp, vì trọng trách nghĩa vụ của một công dân, thì vẫn còn một số nhà báo, dù rất ít, lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân. Một số trường hợp nhân danh nhà báo để dọa dẫm, mè nheo, mặc cả thua đủ với những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp “có vấn đề”. Cũng đã xuất hiện hiện tượng dùng phương tiện thông tin đại chúng để đánh bóng tên tuổi, đề cao cá nhân… Những hạt sạn đó dù không nhiều nhưng cũng khiến dư luận nghi ngờ tính trung thực, trong sáng của giới báo chí.

Đất nước ngày càng phát triển, ắt hẳn báo chí cũng ngày càng lớn mạnh. Cùng với việc đa dạng hóa các phương tiện truyền thông trong một cơ quan báo chí, cải tiến cách thông tin nhằm đua đến bạn đọc thông tin nhanh, hấp dẫn, ngắn gọn, thì việc đào tạo, bồi dưỡng, đề cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của các nhà báo là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đối với các nhà báo, ngoài các điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi thấy nên lấy nội dung Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy để soi rọi cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Các nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 29 về 5 xây: trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, nêu gương và 3 chống: chống quan liêu, chống tiêu cực và chống bệnh hình thức luôn sát thực với yêu cầu trong quá trình tác nghiệp của giới báo chí. Đối với các nhà báo thành phố Đà Nẵng, nếu thực hiện tốt Chỉ thị 29 tức đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của một nhà báo chân chính.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.