.

Cả dân tộc hướng về biển, đảo

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8-6) năm nay diễn ra trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng chấp pháp, của ngư dân Việt Nam nhằm xua đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc cùng lực lượng hộ tống trên trăm tàu các loại, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự, ra khỏi vùng biển Việt Nam, ra khỏi ngư trường làm ăn từ ngàn đời nay của ngư dân Việt đang nhận được sự ủng hộ của cả dân tộc.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã và đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, các địa phương có biển. Ở Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng như mít-tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8-6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2014; các địa phương ra quân làm sạch bãi biển trên địa bàn; tổ chức cuộc thi vẽ và triển lãm tranh với chủ đề “Biển đảo quê hương em”; tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam; tổ chức Hội nghị chuyên đề về chủ đề tuyên truyền của Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 “Bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo”… Những hoạt động này góp phần làm sôi động hơn không khí bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vốn đang rất sôi động hơn 35 ngày qua.

Có lẽ không một sự kiện nào trong suốt hàng chục năm qua trên thế giới lại tạo nên làn sóng phản ứng mãnh liệt của một dân tộc, sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế như sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Trên các trang báo, trong các chương trình thời sự của các Đài truyền hình, phát thanh, các trang thông tin điện tử… đều đậm đặc tin, bài, ảnh phản ánh diễn biến xảy ra hằng ngày trên biển, thông tin kịp thời sự phản ứng của nhân dân, lên án hành động ngang ngược, thâm hiểm của phía Trung Quốc. Trong các khu dân cư, các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học, các tổ chức xã hội, tôn giáo… không khí phản đối Trung Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam cũng ngày càng sôi nổi, mãnh liệt.

Hành động cưỡng chiếm Biển Đông ngang ngược của Trung Quốc đã chạm vào lòng tự tôn của một dân tộc - một dân tộc đã tồn tại hiên ngang trước Trung Quốc qua hàng ngàn năm lịch sử.

Đối với nhân dân Việt Nam, biển và hải đảo trở thành một bộ phận thiêng liêng làm nên Tổ quốc. Từ trong truyền thuyết Mẹ Âu Cơ mang 50 người con xuống biển, 50 người con theo cha lên núi để làm nên Đất nước, đến chuyện Mai An Tiêm tìm ra mạch sống trên đảo hoang, dù mang nét huyền sử, nhưng ít nhiều phản ánh được khát vọng của một dân tộc. Những bằng chứng lịch sử cho thấy, suốt hàng ngàn năm qua, người Việt là chủ nhân của các hòn đảo xa xôi, trong đó có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Qua nhiều biến cố lịch sử, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đoạt, nhưng tâm thức Việt, dòng máu Việt không bao giờ phôi pha về các đảo, quần đảo - khúc ruột của mình. Một ngày các đảo Việt còn nằm trong tay kẻ khác, thì thân thể Việt còn rỉ máu, còn thôi thúc người Việt phải đấu tranh để giành lại. Dù cuộc đấu tranh này là lâu dài, cam go, nhưng ý thức dân tộc là không thể để một tấc đất, tấc biển Tổ quốc cho nước ngoài chiếm đóng. Không thể!

Vậy nên Tuần lễ Biển và Hải đảo năm nay không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của biển, đại dương đối với tương lai đất nước; không chỉ khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển, chủ trương phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường mà còn phải giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo sâu rộng trong nhân dân. Mục tiêu tối thượng bảo vệ Tổ quốc đã thực sự kết nối toàn dân tộc Việt thành một khối thống nhất.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam mà cụ thể là các lực lượng chấp pháp - lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư - vẫn kiên cường bám sát mục tiêu, dù bị sự ngăn cản, truy đuổi, tấn công của lực lượng tàu bảo vệ, kể cả tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc luôn thừa sự hung hãn, liều lĩnh. Dù nguy hiểm nhưng hằng ngày vẫn có hàng vạn ngư dân giong tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Tàu bị Trung Quốc đâm chìm, lưới bị Trung Quốc cướp, ngư dân bị Trung Quốc bắt cũng không làm ngư dân Việt nao núng, sợ hãi. Họ vẫn bám biển với một chân lý rất giản đơn: Biển của ta, ta giữ.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam còn là sự đồng thuận của nhân dân cả nước đối với các lực lượng giữ biển. Mọi người dân Việt Nam, từ người lính ở tuyến đầu đến người công nhân trong xưởng máy, từ cụ già cựu chiến binh ở Thuận Châu, Sơn La đến em học sinh tiểu học ở thành phố Ninh Bình… đều có sự đóng góp cụ thể thiết thực để góp phần giữ biển.

Có lẽ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 là tuần lễ sôi động nhất trong 6 lần (năm) kể từ khi Việt Nam tổ chức hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới. Nhận thức từ những sự kiện xảy ra cho thấy, để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển phải luôn song hành với bảo vệ biển và hải đảo. Luôn gắn việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên, môi trường biển, đảo; tuyên truyền lòng tự hào, ý thức dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

QUÝ LÂM

;
.
.
.
.
.